Mỹ thay đổi chính sách, can dự trực tiếp vào Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 15-7 tuyên bố Washington sẽ ủng hộ các quốc gia bị Trung Quốc (TQ) xâm phạm chủ quyền tại Biển Đông. Ngày 14-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Stillwell phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định Mỹ sẽ không để TQ tuyên bố vùng biển này là của mình. Ngày 13-7, Ngoại trưởng Pompeo thách thức các yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông.

Đài Fox News dẫn ý kiến phân tích rằng từ các động thái liên tục này có thể thấy Mỹ sẽ thay đổi chính sách về Biển Đông và can dự trực tiếp vào xung đột này.

Mỹ và TQ lâu nay vẫn mâu thuẫn về tự do hàng hải ở Biển Đông. Chính sách Mỹ lâu nay vẫn lên án các yêu sách chủ quyền cũng như các hoạt động của TQ ở Biển Đông. Tuy nhiên, trước giờ Mỹ vẫn chủ trương kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trực tiếp can thiệp vào Biển Đông

Các động thái mới nhất trong tuần này là lần đầu tiên cho thấy Mỹ có sự thay đổi chính thức về chính sách để đối phó TQ ở Biển Đông. Theo ông James Chin, Giám đốc Viện châu Á tại ĐH Tasmania (Úc), quan điểm của Mỹ không mới vì nước này vẫn luôn phản đối yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của TQ. Cái mới ở đây là Mỹ giờ đã xem Biển Đông là một trung tâm mới trong quá trình đối trọng với TQ. Nhiều ý kiến phân tích cũng cho rằng Mỹ đang đổi hướng, chuyển sang bác bỏ thẳng thừng yêu sách của TQ và trực tiếp đưa mình vào trung tâm xung đột.

Chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phản đối các yêu sách chủ quyền của TQ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết không công nhận và yêu cầu TQ ngừng cải tạo bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là đòn tấn công trực tiếp nhất và mạnh nhất của Mỹ trước nay với các yêu sách của TQ ở Biển Đông.

Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á - ông Vannarith Chheang cho rằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang thì “củng cố quyền lực bằng các biện pháp rắn” được ưu tiên hơn ngoại giao và đối thoại. Trong khi đó, ông Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia (TQ), cho rằng tuyên bố của ông Pompeo là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã chọn bên trong tranh chấp Biển Đông. Nguyên nhân có thể vì Mỹ muốn bảo vệ luật pháp và trật tự ở vùng biển này, cũng như tăng cường hơn thế đối đầu chiến lược với TQ.

Trực thăng đa năng MH-60R Sea Hawk được đại tu trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan, bên phải là tàu khu trục USS Mustin có tên lửa dẫn đường, tại Biển Đông ngày 9-7. Ảnh: US NAVY/AP

Các phát ngôn cứng rắn của phía Mỹ cũng có thể mở đường cho Washington có thêm nhiều hành động mạnh hơn nhằm thách thức các động thái hiếu chiến của TQ ở Biển Đông trong tương lai.

Fox News cũng cho rằng câu hỏi đặt ra lúc này là Mỹ sẽ quyết liệt tới đâu trong kiềm chế các hoạt động trái phép của TQ ở Biển Đông. Nói với Fox News, nhà nghiên cứu Zack Cooper tại Viện Kinh doanh Mỹ cho rằng các động thái này mở đường cho Mỹ trừng phạt thêm TQ, đặc biệt trừng phạt chuyện TQ can thiệp các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của các nước khác.

Thời gian để các bên cùng có động thái tập thể ngăn tham vọng TQ lập sự “bình thường mới” ở Biển Đông không còn nhiều.

TS PRASHANTH PARAMESWARANTrung tâm Wilson (Mỹ) 

Trung Quốc yếu thế về pháp lý

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo góp phần làm suy yếu vị thế và tính pháp lý các hành động của TQ chống lại các nước khác cùng tranh chấp Biển Đông. Ông Pompeo nói chính sách của Mỹ về Biển Đông phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, bác phần lớn yêu sách chủ quyền của TQ ở vùng biển này. Sau tuyên bố của ông Pompeo, Indonesia và Philippines đồng loạt kêu gọi TQ tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Từ việc này có thể thấy Mỹ và các nước vẫn xem phán quyết của Tòa Trọng tài là một căn cứ pháp lý để đối phó TQ.

Gần đây, nhiều nước Đông Nam Á và cả Mỹ cùng tham gia “cuộc chiến công hàm” yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Theo nhà ngoại giao Ahmad Almaududy Amri (Indonesia), động thái này đã làm suy yếu yêu sách chủ quyền của TQ, đặc biệt về mặt pháp lý.

Trong khi phản đối của các nước với TQ dựa vào phán quyết được Tòa Trọng tài tuyên căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thì các yêu sách chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh lại chỉ dựa vào căn cứ “lịch sử” mà nước này tự nêu ra, chứ không được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Động thái của Mỹ có lợi cho ASEAN

Nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giúp củng cố hơn tính pháp lý và vị thế chính trị của các nước ASEAN ở Biển Đông so với TQ.

Liệu tuyên bố của ông Pompeo có ảnh hưởng đến quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và TQ không? Theo nhiều nhà phân tích thì dù có hay không có tuyên bố của ông Pompeo, đàm phán COC cũng không có khả năng sớm có thêm bước tiến nào mới vì vướng đại dịch COVID-19. Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á - ông Vannarith Chheang cho rằng đàm phán COC có thể sẽ bị hoãn qua năm 2021.

Nhà nghiên cứu cấp cao Lucio Blanco Pitlo III tại Quỹ đường đến sự tiến bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho rằng ASEAN nên thúc nhanh tiến trình đàm phán để hoàn tất một COC “có hiệu quả và mang tính ràng buộc” với TQ. Về chính trị, việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất COC vẫn là nền tảng tốt nhất cho đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và TQ về Biển Đông.

Trước mắt, chuyên gia Benjamin Ho, trợ giảng tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng các nước ASEAN sẽ chờ thêm các bước đi tiếp theo của Mỹ, đặc biệt của chính phủ mới sau cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm