Nhà Trắng bị bao vây!

Ngày 6-11, khoảng 12.000 người đã biểu tình trước Nhà Trắng ở thủ đô Washington nhằm buộc Tổng thống Obama hủy bỏ dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Canada sang Mỹ (dự án Keystone XL).

Đường ống sẽ vận chuyển dầu thô chiết xuất từ cát dầu ở tỉnh Alberta (miền Tây Canada) qua nhiều bang ở Mỹ đến các nhà máy lọc dầu ở bang Texas và vịnh Mexico.

Dự án Keystone XL thuộc Tập đoàn Năng lượng TransCanada được chia thành bốn giai đoạn. Đến nay dự án đã hoàn thành hai giai đoạn và đang chuẩn bị thủ tục tiến hành giai đoạn 3.

Tổng thống Obama không có mặt tại Nhà Trắng vào thời điểm biểu tình. Như thường lệ, vào cuối tuần ông đi chơi golf ở bang Virginia cả ngày.

Những người biểu tình lo ngại dự án Keystone XL sẽ gây tác hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đường ống nứt vỡ có thể gây thảm họa sinh thái. Nếu dầu rò rỉ, tầng nước ngầm Ogallala sẽ bị ô nhiễm trong khi các bang từ South Dakota đến Texas đều phụ thuộc vào tầng nước ngầm này.

Nhà Trắng bị bao vây! ảnh 1

Những người biểu tình bao vây Nhà Trắng ngày 6-11. Ảnh: REUTERS

Một số quan chức Bộ Ngoại giao bị nghi ngờ đã vi phạm về xung đột lợi ích trong dự án này. Một nhà vận động hành lang của Tập đoàn TransCanada vốn là trưởng cố vấn của bà Hillary Clinton lúc bà ra tranh cử tổng thống năm 2008. TransCanada lại là một khách hàng chính của nhà thầu tư nhân Cardno Entrix (phụ trách xem xét dự án).

Dự án Keystone XL đã đi ngược lại lời hứa giảm khí thải nhà kính ông Obama đưa ra khi tranh cử tổng thống. Quy trình chiết xuất dầu từ cát dầu sẽ thải khí carbon nhiều gấp ba lần cách sản xuất dầu thông thường.

Trong khi đó, những người ủng hộ lại cho rằng dự án tạo thêm việc làm và giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Venezuela và Trung Đông.

Theo luật liên bang Mỹ, Bộ Ngoại giao và tổng thống chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án đường ống dẫn dầu quốc tế. Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu dự án ba năm và vẫn đang tổ chức tham khảo ý kiến công chúng. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã quyết phê duyệt giai đoạn 3 của dự án vào cuối năm nay.

Trả lời kênh truyền hình KETV (Mỹ) ngày 1-11, Tổng thống Obama cho biết ông sẽ cân nhắc mọi điểm lợi hại, hiệu quả và hậu quả trước khi quyết định. Nhiều người biểu tình lo ngại trong tình hình thất nghiệp hiện nay, có thể Tổng thống Obama sẽ phê duyệt dự án để có thêm việc làm.

Dự kiến nghị viện bang Nebraska sẽ buộc Tập đoàn TransCanada phải di chuyển đường ống ra khỏi khu vực có tầng nước ngầm nếu giai đoạn 3 của dự án được duyệt.

Cuộc biểu tình phản đối dự án Keystone XL đã đẩy Tổng thống Obama vào tình thế khó xử vì làm nảy sinh cuộc chiến giữa những người bảo vệ môi trường với các nghị sĩ Cộng hòa và các tổ chức lao động.

Hai bên đều cảnh cáo Tổng thống Obama sẽ phải trả giá về chính trị nếu không nghiêng theo họ. Trong khi đó, thời điểm bầu cử tổng thống chỉ còn một năm.

Năm 2005: Tập đoàn TransCanada nghiên cứu dự án Keystone XL và đề xuất lên chính phủ Mỹ.

Năm 2008: Chính phủ Mỹ đồng ý cho thực hiện dự án.

Tháng 6-2010: Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành. Giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2011.

Tháng 9-2011: Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tổ chức biểu tình phản đối dự án trước Quốc hội Canada ở thủ đô Ottawa.

ĐĂNG KHOA (Theo USA Today, AP, Washington Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm