Nhật: Trường Nova bị phá sản

Tòa đã chỉ định hai luật sư làm người quản lý tài sản. Nếu sau một tháng những người quản lý tài sản không tìm được nhà bảo trợ, họ sẽ nộp đơn xin phá sản. Sàn giao dịch chứng khoán Jasdad ở Tokyo thông báo ngày 27-11 tới sẽ đưa cổ phiếu của Công ty Nova ra khỏi sàn giao dịch.

Trường Nova thuộc Công ty Nova (thành lập năm 1981) là trường tư nhân lớn nhất ở Nhật với 400.000 học viên đang theo học, 5.000 giáo viên nước ngoài giảng dạy, trong đó có 900 người Anh, 900 người Úc và 1.300 người Mỹ.

Hai năm trước, Công ty Nova tự hào tuyên bố đã mở 977 trường dạy ngoại ngữ, chiếm phân nửa thị phần trường dạy tiếng Anh ở Nhật. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra nhiều chuyện bê bối. Tháng 4-2007, Tòa án tối cao Nhật đã phán quyết Công ty Nova không hoàn học phí cho học viên sau khi học viên hủy hợp đồng là trái luật.

Hai tháng sau, Bộ Công nghiệp-Thương mại và Kinh tế ra lệnh tạm ngưng một phần hoạt động của công ty do có nhiều hành vi trái pháp luật như quảng cáo lừa dối. Công ty cũng bị cấm tuyển sinh và đăng ký học viên mới trong thời gian sáu tháng cho các khóa học từ một năm trở lên. Kế tiếp, số học viên hủy hợp đồng ngày càng tăng. Từ tháng 7-2007, Công ty Nova bắt đầu nợ lương giáo viên và ngưng trả tiền thuê văn phòng. Hai tháng sau, nhiều chi nhánh đóng cửa.

Bộ Phúc lợi-Lao động và Y tế Nhật đã mở dịch vụ tư vấn cho các giáo viên nước ngoài để giải đáp vấn đề nợ lương. Đại sứ quán Anh và Úc ở Nhật cũng đã thông báo sẽ giúp các giáo viên nước ngoài liên hệ mua vé máy bay giá rẻ và tư vấn pháp lý trên mạng. 

Tính đến cuối tháng 7-2007, công ty đã nợ tổng cộng gần 44 tỷ yen (gần 6.200 tỷ đồng VN). Hiện nay, công ty vẫn còn nợ lương từ tháng 7-2007 của 2.000 nhân viên người Nhật và lương từ tháng 9-2007 của 4.000 giáo viên nước ngoài. Hơn 300.000 học viên không biết có được bồi hoàn học phí hay không. Theo Luật Cải tạo doanh nghiệp, thứ tự ưu tiên trả tiền là tiền nợ lương giáo viên, tiền nợ các tổ chức tài chính sau đó mới tới học phí của học viên.

THẠCH ANH (Theo Yomiuri, Asahi, AP, Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm