Đài RT dẫn tuyên bố của Điện Kremlin hôm 3-2 cho biết quyết định của Mỹ triển khai gần 3.000 binh sĩ đến Romania, Ba Lan và Đức là bằng chứng cho thấy Moscow đã đúng khi quan tâm đến an ninh của Nga.
Phát ngôn viên Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đưa ra phản ứng thông báo trước đó của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gửi hàng nghìn lính Mỹ tới Đông Âu để đáp trả “việc Nga tiếp tục xây dựng và tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine và Belarus”.
Theo ông Peskov, động thái trên càng làm dấy lên ý kiến cho rằng Nga đang bị đe dọa từ khối quân sự NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) do Mỹ dẫn đầu.
“Trên thực tế, Mỹ đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu” - ông Peskov nói, thêm rằng việc Washington triển khai quân là "bằng chứng tốt nhất cho thấy Nga có lý do rõ ràng để lo lắng”.
Một người ủng hộ chào đón các binh sĩ Mỹ tại biên giới Czech - Ba Lan. Ảnh: RT
Trước đó, khi thông báo về quyết định triển khai gần 3.000 quân của Tổng thống Biden, ông Kirby nói: “Tình hình hiện nay đòi hỏi chúng tôi phải củng cố thế trận răn đe và phòng thủ ở sườn phía đông của NATO”.
“Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh và ổn định của châu Âu. Cam kết của chúng tôi đối với NATO về khả năng phòng thủ tập thể vẫn sẽ tiếp tục được củng cố” - phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.
Những tranh cãi xung quanh việc Mỹ triển khai quân tới châu Âu diễn ra khi Nga vẫn đang tham vấn với cả Mỹ và NATO về một thỏa thuận tiềm năng để đảm bảo an ninh của khu vực này. Moscow đã gửi cho Mỹ và NATO các yêu cầu của mình vào năm 2021.
Các tài liệu dự thảo bao gồm một danh sách dài các đảm bảo an ninh nhằm thúc đẩy sự ổn định ở châu Âu, chẳng hạn như hạn chế bố trí tên lửa gần biên giới Nga và việc rút các lực lượng liên minh ở Đông Âu về vị trí của họ.
Chính quyền Moscow cũng yêu cầu NATO chấm dứt việc mở rộng thành viên của tổ chức này về phía đông, phản đối việc cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập.
Cuối tháng trước, Mỹ đã gửi lại phản hồi chính thức đối với các yêu cầu của Nga, hiện đang được Điện Kremlin đánh giá, RT đưa tin.
Mặc dù cởi mở với các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí và tăng cường tính minh bạch của các hoạt động quân sự, song Washington đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất chấm dứt việc mở rộng NATO về phía đông.