Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Đài Loan đổ dầu vào lửa

Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc hữu nghị với nước ngoài đã quyết định hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật vào ngày 27-9 tới. 

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 23-9 chỉ nêu chung chung lý do hoãn là vì tình hình hiện nay và lễ kỷ niệm sẽ được lùi lại đến khi có thông báo mới.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lãnh thổ Đài Loan lại nhảy vào thêm rối.

Báo Focus Taiwan (Đài Loan) đưa tin hội ngư dân xã Tô Áo thuộc huyện Nghi Lan (Đài Loan) cho biết chiều 24-9, 100 tàu cá Đài Loan sẽ lên đường đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Dự kiến sáng 25-9, các tàu cá sẽ đến cách quần đảo 37 km, sau đó các tàu sẽ tìm cách vượt qua vòng phong tỏa của tàu tuần tra Nhật để đến gần quần đảo 22 km và không loại trừ khả năng đổ bộ lên đảo.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Đài Loan đổ dầu vào lửa ảnh 1

Binh sĩ Nhật và lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận tái chiếm đảo trên đảo Guam ngày 22-9. Ảnh: ASAHI SHIMBUN

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin ngày 23-9 tại Đài Loan, khoảng 800 người đã tuần hành ở Đài Bắc để phản đối Nhật. Họ mang theo biểu ngữ kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan sát cánh bảo vệ quần đảo Điếu Ngư.

Nhận định về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hãng tin CNA (Singapore) cùng ngày dẫn lời các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ thua thiệt nếu trừng phạt kinh tế Nhật.

Chuyên gia kinh tế Jeremy Stevens ở chi nhánh Tập đoàn ngân hàng Standarda (Nam Phi) tại Bắc Kinh nhận định Trung Quốc lẫn Nhật đều nhận thức rằng rạn nứt quan hệ thương mại có thể làm tổn thương hai nước bởi lẽ hai nước phụ thuộc trực tiếp lẫn nhau trong hệ thống chuỗi cung cấp toàn cầu.

Ông giải thích hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu khắp nơi nhưng Trung Quốc không thể sản xuất tất cả linh kiện và phụ tùng trong sản phẩm hoàn chỉnh. Đa số điện thoại di động, máy truyền hình, máy quay phim xuất khẩu từ Trung Quốc đều được lắp ráp từ linh kiện sản xuất chính xác của các ngành công nghiệp kỹ thuật cao Nhật.

GS Ivan Tselichtchev ở ĐH Quản lý Niigata (Nhật) nhận định hành động trả đũa các công ty Nhật sẽ quay ngược lại đánh vào các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào bí quyết công nghệ Nhật.

Ông ghi nhận những lời đe dọa của Trung Quốc hầu hết chỉ nhằm gây áp lực tâm lý chứ Trung Quốc sẽ không dám trả đũa kinh tế nặng nề. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đưa ra một số biện pháp trả đũa kinh tế mang tính biểu tượng để bày tỏ thái độ phản đối Nhật như dừng một dự án đầu tư cụ thể nào đó hoặc ngăn chặn một giao dịch xuất nhập khẩu nào đó.

Ông nêu ví dụ các cảng Trung Quốc tăng cường kiểm tra hải quan đối với hàng của hai tập đoàn Nhật Itochu và Sojitz không nhằm cản trở nhập khẩu mà chỉ nhằm làm mất thời gian và bất tiện cho hai tập đoàn này mà thôi.

GS Châu Vĩnh Sinh ở ĐH Ngoại giao Trung Quốc nhận xét lời lẽ đe dọa của Trung Quốc có thể báo hiệu một hành động cụ thể dưới hình thức chiến tranh thương mại nhưng hiện tại điều này không có khả năng xảy ra. Ông nói: “Trừng phạt thương mại là con dao hai lưỡi, đặc biệt nếu phía bị trừng phạt đưa ra các biện pháp trả đũa. Trừng phạt thương mại sẽ trở thành chính sách cùng thua”.

Ngày 23-9, cơ quan tuần duyên Nhật thông báo lần đầu tiên trong vòng một tuần qua, tất cả tàu hải giám Trung Quốc đã rút khỏi vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). 

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm