Sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nga sẽ bán tiếp S-400 cho 1 đồng minh mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) hôm 3-9, ông Dmitry Shugayev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quân sự kỹ thuật liên bang Nga nói rằng không có trở ngại nào đối với việc Nga cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Belarus.

Hệ thống S-400 bắn tên lửa. Ảnh: TWITTER

“Belarus là đối tác chiến lược của chúng tôi, chúng tôi cùng sinh sống trong Nhà nước liên minh. Vì hệ thống S-400 đặc biệt được thiết kế để xuất khẩu nên sẽ là hợp lý khi đáp ứng nhu cầu của Belarus. Tôi không nhìn thấy bất kỳ trở ngại hay hạn chế nào đối với việc đó” – ông Shugayev chỉ ra.

Hôm 1-9, Tổng thống Belarus – ông Alexander Lukashenko nói rằng Nga sẽ sớm cung cấp cho nước này hàng chục máy bay, trực thăng, vũ khí phòng không và có thể có cả hệ thống tên lửa S-400. Hồi đầu tháng 8, ông Lukashenko cho biết Belarus quan tâm tới việc mua hệ thống S-400. Ông Lukashenko còn nói Minsk đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin cung cấp S-400 với mức giá hợp lý theo hình thức thanh toán tín dụng.

Hôm 25-8, ông Shugayev cho biết nếu Nga nhận được yêu cầu của Belarus về việc cung cấp hệ thống tên lửa S-400 và Pantsir – S1 thì vấn đề sẽ được xem xét kịp thời.

Belarus là một trong những đồng minh láng giềng mạnh nhất của Nga. Nga và Belarus chính thức là một phần của “nhà nước liên minh” và đàm phán trong nhiều năm về lộ trình hội nhập hai nước.

S-400 Triumph do Tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey của Nga sản xuất, là hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung thế hệ mới. S-400 có khả năng tiêu diệt tất cả các loại vũ khí hàng không hiện đại, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay chiến thuật và chiến lược. Một số nhà phân tích còn cho rằng S-400 thậm chí còn có khả năng phát hiện và phá hủy máy bay tàng hình như F-35 của Mỹ.

Sau khi Nga mua và triển khai S-400 cho mục đích sử dụng của riêng mình, Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống tên lửa này. Quân đội Trung Quốc chính thức sở hữu S-400 hồi tháng 7-2018. Một số báo cáo cho hay Trung Quốc đã triển khai S-400 tại Tây Tạng, gần khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ký với Nga thỏa thuận mua S-400 trị giá 2,5 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 hồi tháng 12-2020, song Mỹ đã áp trừng phạt với cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì mua vũ khí của Nga.

Ấn Độ dự kiến cũng sẽ nhận hệ thống S-400 vào cuối năm 2021. Nước này cũng đang đối mặt khả năng trừng phạt từ Mỹ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm