Quân đội Mỹ tuyên bố nước này đã tiến hành một cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào hai tên lửa S-400 do Nga sản xuất như một phần trong cuộc tập trận African Lion 2021.
Hai cuộc tấn công nhằm vào hai tên lửa S-400
Theo báo The EurAsian Times, cuộc tập trận African Lion 2021 khai mạc ngày 7-6 với sự tham gia của 7.800 binh sĩ tại Morocco, Tunisia và Senegal. Cuộc tập trận kéo dài tới ngày 18-6. Cuộc tập trận năm ngoái đã bị hủy do dịch COVID-19.
Theo tạp chí The Drive, Lực lượng đặc nhiệm Nam Âu – châu Phi (SETAF-AF) thuộc Lục quân Mỹ đã tiến hành nội dung diễn tập trung tâm chỉ huy (CPX) theo hình thức mô phỏng trên máy tính tại Morocco tuần trước, trong đó hai tên lửa S-400 do Nga chế tạo trở thành mục tiêu.
Lính thủy đánh bộ Mỹ cùng Lực lượng đặc nhiệm Sư tử châu Phi chuẩn bị lên máy bay C-130 tại sân bay Inezgane ở TP Agadir (Morocco). Ảnh: US AFRICOM
SETAF-AF đã công bố video quay cảnh CPX đang được thực hiện tại một cơ sở ở TP Agadir (Morocco).
“Hai cuộc tấn công được tiến hành nhằm vào hai tên lửa S-400” – một sĩ quan nói trong video.
Hiện chưa rõ những người tham gia CPX đã sử dụng khí tài nào để tiến hành cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào S-400 nói trên.
Bộ Tư lệnh châu Âu và châu Phi (AFRICOM) của lục quân Mỹ hoạt động như một Bộ tư lệnh hợp nhất giám sát các hoạt động ở cả hai châu lục.
The African Lion là cuộc tập trận quân sự đa quốc gia thường niên, do AFRICOM tiến hành và gắn liền với chuỗi tập trận mang tên Defender của Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ. Chuỗi tập trận Defender tập trung vào nội dung tổ chức các hoạt động và huấn luyện quân sự đối kháng ở Bắc Phi và Nam Âu.
Mục đích của chuỗi tập trận này là tăng cường khả năng tương tác của Mỹ, các quốc gia đối tác và các nhà tổ chức khu vực nhằm ngăn bất ổn khu vực, tiến hành các hoạt động hòa bình, chống tổ chức cực đoan bạo lực, duy trì an ninh xuyên biên giới và chống các mối đe dọa xuyên quốc gia.
Điểm nổi bật của cuộc tập trận bao gồm các cuộc diễn tập trên không của máy bay ném bom, máy bay chiến đấu cũng như hoạt động tiếp nhiên liệu trên không, cùng với cuộc tập trận bắn súng hải quân và sự kiện hỗ trợ nhân đạo ở Morocco.
Các tàu chiến của Hạm đội 6 của Mỹ, gồm “căn cứ viễn chinh” USS Hershel “Woody” Williams, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross và tàu vận tải viễn chinh USNS đã tham gia tập trận hải quân ở Nam Địa Trung Hải hôm 13-6.
Điều gì khiến S-400 đặc biệt?
Hệ thống phòng không S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) bao gồm các tên lửa đất đối không tầm xa với tầm bắn tối đa 400 km cùng nhiều ống phóng. Đây là vũ khí quan trọng trong lực lượng phòng không của Nga với khả năng phá hủy tiêm kích, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Vitaliy Nevar/TASS
Là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, S-400 rẻ gấp đôi so với hệ thống Patriot-2 của Mỹ. Điều này khiến S-400 thu hút được sự quan tâm của nhiều nước và có tiềm năng xuất khẩu.
Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu kể từ khi nước này vận hành hệ thống S-400 năm 2007 và nhiều quốc gia đã bày tỏ quan tâm với hệ thống.
Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus đang đi tiên phong trong việc đảm bảo một thỏa thuận mua S-400 với Nga. Trong khi Trung Quốc năm 2018 đã nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên thì Ấn Độ dự kiến sẽ nhận hệ thống phòng không tiên tiến này vào cuối năm nay.
Saudi Arabia, Qatar, Algeria, Morocco, Ai Cập và Iraq nằm trong số những quốc gia đã tổ chức thảo luận chính thức hoặc không chính thức về việc mua hệ thống S-400 với những người đồng cấp Nga, theo đài CNBC.
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống S-400 với Nga bất chấp nước này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau đó, Mỹ áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đạo luật này cấm những quốc gia tham gia các giao dịch quan trọng với lĩnh vực tình báo và quốc phòng của Nga.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 của Mỹ vì Washington lo ngại Moscow sẽ tiếp cận công nghệ F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp cả hệ thống của Nga và của Mỹ. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đặt hàng thêm một lô vũ khí từ Nga.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), dù được trang bị công nghệ hiện đại, S-400 vẫn chưa được thử nghiệm trong tình huống chiến tranh nghiêm trọng thực sự.
S-400 trước đó được triển khai tới các vùng xung đột ở Syria, bán đảo Crimea và vùng Kaliningrad của Nga và khả năng được triển khai tới Libya.
Bằng việc nhắm vào niềm tự hào này của Nga, Mỹ đang gián tiếp thách thức tính hiệu quả của S-400 với hy vọng làm lung lay mong muốn của những nước muốn mua vũ khí Nga. Trong khi đó, Nga tiếp tục quảng bá hệ thống S-400 vì thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của nước này tiếp tục giảm.