Trước khi Nga chuyển giao lô hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đầu tiên cho Ấn Độ, có lẽ sẽ rất thú vị khi xem các hệ thống phòng không hiện có của Ấn Độ và khả năng của chúng trong việc đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo báo The EurAsian Times, gần đây, không quân Trung Quốc tiến hành tập trận lớn từ các căn cứ không quân của nước này đối diện Đông Ladakh – khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Khoảng 21-22 chiến cơ của không quân Trung Quốc đã tổ chức diễn tập ở khu vực đối diện lãnh thổ Ấn Độ tại Đông Ladakh - diễn biến có thể khiến các quan chức Ấn Độ nâng cảnh báo.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Russian Ministry of Defense
Ấn Độ bắt đầu phát triển hệ thống phòng không năm 1999, một năm sau khi cả Ấn Độ và Pakistan tiến hành thử nghiệm hạt nhân và sau đó hai nước láng giềng giao tranh tại thị trấn Kargil (Ladakh).
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) hai tầng của Ấn Độ bao gồm tên lửa phòng không Prithvi (PAD) để đánh chặn tầm cao (50 km – 80 km) và tên lửa phòng không tiên tiến AAD để đánh chặn tầm thấp (15 km – 30 km). Ngoài ra còn có radar cảnh báo sớm và theo dõi để bổ trợ hệ thống.
Phòng thủ tên lửa đạn đạo hai tầng của Ấn Độ
Quá trình phát triển và thử nghiệm giai đoạn 1 của BMD được Ấn Độ hoàn tất năm 2012. Khi đó, nhiều ý kiến suy đoán thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ được trang bị một lá chắn tên lửa. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, hệ thống hai tầng này sẽ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 5.000 km.
Tên lửa PAD đầu tiên được thử nghiệm thành công năm 2006 để phòng thủ trước tên lửa đạn đạo. Quá trình phát triển có hai giai đoạn, giai đoạn đầu dựa vào nhiên liệu lỏng và giai đoạn hai dựa vào nhiên liệu rắn.
Tương tự, AAD đầu tiên được thử nghiệm năm 2007 và tên lửa đánh chặn mới nhất được bắn thử năm 2018 thuộc sứ mệnh đánh chặn tên lửa đạn đạo có tên Prithvi Defence Vehicle (PDV).
Hệ thống chống tên lửa hành trình Akash
Ấn Độ còn tích cực phát triển một hệ thống chống tên lửa hành trình có khả năng ứng phó những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, gọi là Akask. Hệ thống tên lửa Akask do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển. Đây là tên lửa đất đối không tầm trung có thể tấn công tiêm kích, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Tên lửa Akash. Ảnh: Wikipedia
Từ năm 1990, khi Akash lần đầu được thử nghiệm, một số phiên bản sửa đổi và nâng cấp đã được thực hiện để phù hợp với việc triển khai ở địa hình đồi núi cao.
DRDO đã thử nghiệm thành công mô hình Akash mới nhất có tên Akash-NG hồi tháng 1 năm nay. Mô hình này có những cải thiện về thời gian phản ứng cũng như mức độ bảo vệ cao hơn trước các cuộc tấn công dồn dập.
Theo các báo cáo truyền thông, không quân Ấn Độ đã triển khai Akash tại căn cứ Tezpur (bang Assam), cách biên giới Trung Quốc 172 km.
Theo The EurAsian Times, Ấn Độ và Israel đang hợp tác phát triển một hệ thống tên lửa tầm trung Barak, có khả năng năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay không người lái, trực thăng và máy bay chiến đấu.
Tên lửa tự chế
Theo các báo cáo, gần 63% ngân sách quân sự của Ấn Độ năm 2021-2022 được dành để mua vũ khí và các hệ thống do nước này sản xuất nhằm tăng cường quá trình nội địa hóa quốc phòng.
Hôm 31-5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu thứ hai, bao gồm 108 mặt hàng quốc phòng không thể nhập khẩu. Danh sách bao gồm những mặt hàng như trực thăng hạng nhẹ, súng bắn tỉa công phá, tàu hộ vệ thế hệ kế tiếp. Thay vào đó, Ấn Độ gọi đây là “Danh sách các mặt hàng được phép nội địa hóa”
Danh sách tương tự đầu tiên gồm 101 mặt hàng được đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái.
“Danh sách này sẽ tạo việc làm ở Ấn Độ, vì nó đảm bảo các sản phẩm được chế tạo ở Ấn Độ sẽ được bán tại Ấn Độ” – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hồi đầu năm nay.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos phiên bản hải quân được phóng thử thành công từ tàu khu trục tàng hình nội địa của Hải quân Ấn Độ ở biển Ả Rập. Ảnh: PTI
Trong số những vũ khí nội địa được thử nghiệm năm ngoái, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos phiên bản hải quân do Ấn Độ và Nga cùng phát triển và tên lửa chống bức xạ Rudram-I đã thu hút sự chú ý của giới đam mê quốc phòng.
Một đề cập đáng chú ý khác là phiên bản mới của tên lửa Shaurya có khả năng hạt nhân đã được phóng thử ngoài khơi bờ biển Odisha.
Trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, DRDO sẽ đại tu các hệ thống vũ khí nội địa, bao gồm tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra (beyond visual range (BVR)), tên lửa Rudram-I và tên lửa chống tăng Nag.
Tên lửa Astra BVR dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay, trong khi hệ thống tên lửa đất đối không phản ứng nhanh (QRSAM) và tên lửa chống tăng Nag và Helina sẽ được giới thiệu vào năm tới, theo báo Hindustan Times. Tên lửa Rudram sẽ sẵn sàng vào năm 2023.
DRDO còn đạt đến một cột mốc quan trọng khác khi bắn thử thành công Phương tiện bay trình diễn công nghệ siêu thanh (HSTDV), theo báo The EurAsian Times.
Chờ Nga giao hệ thống S-400
Hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 Triumf do Nga sản xuất bao gồm tên lửa đất đối không tầm xa với các tầm bắn khác nhau từ 40 km đến 400 km. S-400 có khả năng đánh chặn tên lửa cũng như máy bay.
Bất chấp sự đe dọa trừng phạt của Mỹ, Ấn Độ đã yêu cầu Nga xúc tiến chuyển giao S-400 trong bối cảnh xảy ra cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Nga đã đảm bảo với Ấn Độ đến cuối năm 2021, S-400 sẽ được giao cho nước này.
Mỹ phản đối việc các đồng minh của nước này mua hệ thống S-400 của Nga vì lo ngại hệ thống vũ khí của Nga sẽ gây nguy hiểm cho an ninh công nghệ quân sự và quân nhân Mỹ. Mỹ đã áp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xoay quanh việc nước này mua S-400 từ Nga.
Trung Quốc cũng đã mua tên lửa S-400 từ Nga và nhận lô S-400 đầu tiên năm 2018. Cũng trong năm 2018, Ấn Độ ký thỏa thuận mua S-400 trị giá 5,43 tỉ USD với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh song phương thường niên Nga-Ấn lần thứ 19 tại New Delhi (Ấn Độ).
Theo The EurAsian Times, trong bối cảnh xung đột biên giới với Trung Quốc, tên lửa BMD nội địa của Ấn Độ cùng với hệ thống S-400 sẽ cung cấp khả năng phòng thủ cần thiết chống lại mọi sự gây hấn chưa từng có của Trung Quốc.