Số ca nhiễm mới giảm, lúc nào đỉnh dịch Corona?

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến hết ngày 7-2 số người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (20-19-nCoV) gây ra là 639 người (637 người ở Trung Quốc, một người ở Philippines, một người ở đặc khu Hong Kong). Số ca tử vong ở TQ tăng tới 73 người trong một ngày.

Trong số các bệnh nhân tử vong mới có một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Bác sĩ 34 tuổi này không qua khỏi sau khi được xác định nhiễm chủng virus Corona mới vài ngày.

Số ca nhiễm trên toàn cầu hiện ở mức 31.526 ca, tăng hơn 3.000 ca so với ngày trước đó. Đã có 1.568 người được điều trị khỏi bệnh.

Khả quan: Số ca nhiễm mới giảm

Diễn biến tăng liên tục số ca tử vong và ca nhiễm gây lo lắng và đã có ý kiến bàn về thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, họp báo về dịch Corona ngày 6-2, các lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói vẫn còn quá sớm để dự đoán khi nào thì tới đỉnh dịch. Theo TS Michael Ryan - Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO, rất khó để dự đoán về tiến trình của dịch và “chúng ta vẫn đang ở giữa thời điểm dịch mạnh”.

WHO nói không nên chăm chú quá nhiều vào số liệu cập nhật người chết, người nhiễm hằng ngày, song cũng ghi nhận diễn biến giảm số ca nhiễm mới hằng ngày của TQ. Số ca nhiễm mới được ghi nhận ở TQ giảm liên tục trong hai ngày gần đây. Cụ thể, số ca nhiễm mới ở TQ là 3.694 ca, so với 3.887 ca ngày 5-2.

Tuy nhiên, TS Ryan cho rằng con số có tới gần 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn là lo ngại lớn. Theo ông, “có những chu kỳ truyền nhiễm và chúng ta có thể sẽ nhìn thấy sự gia tăng trở lại số ca nhiễm trong những ngày tới, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn ổn định”.

Từ hôm nay (8-2) đến ngày 11-2, 3 triệu người TQ sẽ di chuyển từ quê nhà lên các TP làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài do dịch Corona. Ảnh: AFP

Làm sao biết được đỉnh dịch?

Làm sao có thể biết liệu dịch tới đỉnh điểm chưa? Theo báo The Hill, thông thường các nhà nghiên cứu sử dụng các mô hình thống kê và toán học để tìm hiểu và dự đoán sự tiến triển của dịch bệnh. Cách cơ bản nhất trong hình dung quy mô một dịch bệnh là thông qua các con số người nghi nhiễm, người nhiễm và người hồi phục, hay còn gọi thông qua các chỉ số SIR (chỉ ba nhóm người trên).

Trường ĐH John Hopkins (Mỹ) lập bản đồ theo dõi các trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới trên toàn cầu. Sự nở ra của các vòng tròn màu đỏ thể hiện sự gia tăng số ca nhiễm từng ngày. Từ bản đồ này có thể thấy dấu hiệu của việc dịch lên tới đỉnh là các vòng tròn đỏ này bình ổn, ít biến đổi, ít nở to hơn, đồng nghĩa số lượng ca nhiễm mới được ghi nhận giảm dần.

Các nhà nghiên cứu sử dụng các dữ liệu này cùng các thông tin khác về dịch bệnh trong cộng đồng để tính toán đưa ra dự đoán thời điểm đỉnh dịch. Các thông tin khác có thể là khả năng truyền nhiễm (người lây qua người dễ thế nào), thời kỳ ủ bệnh (bao lâu thì người nhiễm phát triệu chứng), mức độ nghiêm trọng của bệnh (tình trạng nặng thế nào sau khi nhiễm) và phản ứng y tế công cộng (mọi biện pháp ngành y tế làm để kiểm soát dịch lây lan như khuyến cáo đeo khẩu trang, cảnh báo đi lại, cách ly…). Tất cả yếu tố này đều được các nhà nghiên cứu tính đến khi phân tích và dự đoán thời điểm đỉnh dịch.

“Chúng tôi đã ban hành các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát toàn diện và khắt khe nhất, thông qua phản ứng linh hoạt và nhanh chóng. Chúng tôi đã tuyên bố cuộc chiến nhân dân chống dịch thông qua ngăn ngừa và kiểm soát. Chúng tôi hoàn toàn tự tin và có khả năng chống dịch. Xu hướng phát triển kinh tế dài hạn của TQ sẽ không thay đổi”.

Chủ tịch TQ TẬP CẬN BÌNH nói trong cuộc điện đàm với
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-2
 

Hiện chưa biết đỉnh dịch chính xác là lúc nào. Tuy nhiên, một phân tích của Trưởng Khoa y ĐH Hong Kong (HKU) - GS Lương Trác Vỹ ước tính đỉnh dịch Corona có thể sẽ vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

GS Lương cảnh báo rằng chủng virus Corona mới có thể sẽ chưa chấm dứt khi thời tiết ấm lên như một số tiến sĩ, giáo sư y khoa tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS) nhận định trên kênh tin tức Channel News Asia ngày 5-2.

Theo các chuyên gia này, số ca nhiễm có thể sẽ giảm mạnh cũng như dịch có thể sẽ hết vào tháng 5, thời điểm TQ và châu Á bước vào mùa hè nóng ẩm. Một số nhà khoa học thuộc HKU trước đó cũng cho rằng sở dĩ đa số nước Đông Nam Á không có dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vì có thời tiết nóng ẩm, không giống như Hong Kong.

Tuy nhiên, GS Lương không thấy điều này thuyết phục vì thực tế ở Thái Lan dù thời tiết đang giống như Hong Kong mùa hè nhưng số ca nhiễm chủng virus Corona mới cao hơn cả Hong Kong.

Ngày 7-2, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề cập đến tình hình dịch Corona, đài truyền hình trung ương TQCCTV đưa tin.

Ông Tập nói chính phủ và người dân TQ đã nỗ lực hết sức kiềm chế dịch ngay từ khi nó bắt đầu”. Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết ông Trump cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh và sự kiên cường của TQ trong đối phó dịch.

Trong cuộc điện đàm, ông Tập cũng đề nghị Mỹ hành động “hợp lý” trong phản ứng với dịch. Vài ngày trước, Bộ Ngoại giao TQ chỉ trích Mỹ chẳng có hành động gì thực chất giúp TQ mà còn “gieo rắc sợ hãi”. Khi dịch nổ ra, Mỹ là nước đầu tiên muốn sơ tán nhân viên lãnh sự khỏi Vũ Hán, muốn sơ tán một phần nhân viên đại sứ quán khỏi TQ, sau đó Mỹ cấm mọi công dân nước ngoài từng đến TQ còn trong hạn 14 ngày nhập cảnh.

Cũng trong ngày 7-2, Bộ Ngoại giao TQ cho biết Ý sẽ khôi phục một số chuyến bay giữa hai nước. Ngày trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Tần Cương đã gặp Đại sứ Ý tại TQ Luca Ferrari về việc cấm bay giữa hai nước. Ông Tần nói TQ không hài lòng khi Ý ra biện pháp này mà không tham vấn với TQ và biện pháp này gây sự “bất tiện lớn” với người dân hai nước. Hiện hơn 60 nước đã cấm người TQ nhập cảnh kể từ khi dịch Corona xuất hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm