Số ca tự sát ở châu Á tăng vọt vì khủng hoảng

Chan Kiu-hung đã tính tới chuyện tự vẫn khi bà biết khoản tiền hưu đề phòng bất trắc của mình đã bốc hơi cùng sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.

"Tôi tuyệt vọng. Tôi mất ăn mất ngủ. Chúng tôi đã mất sạch tiền. Đau đớn quá", Chan - bà giúp việc về hưu và có chồng là nhân viên đóng mở thang máy, cho biết.

Tỷ lệ tự sát ở châu Á tăng vì khủng hoảng tài chính

Theo các chuyên gia, các vụ tự tử thường tăng trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Thêm vào đó, người châu Á rất dễ bị tổn thương, nên khu vực này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới.

Với suy nghĩ trên, nhiều chính phủ các nước châu Á đang thiết lập những đường dây nóng và trung tâm tư vấn để giúp đỡ cho những ai bị tác động bởi khủng hoảng tài chính và hậu quả của suy sụp kinh tế.

Ở Hàn Quốc, một nhà điều hành tàu hoả thậm chí còn lắp cửa ngăn tiếp cận đường ray, do số người muốn đâm đầu vào tàu tăng mạnh.

Hàng triệu người ở châu Á đã mất việc và nhiều nhà đầu tư nhỏ khác cũng mất khoản tiết kiệm cả đời do thị trường chứng khoán tụt dốc và các quỹ đầu tư sụp đổ.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính với toàn bộ sức mạnh của nó tấn công châu Á vào cuối năm ngoái, Paul Yip - chuyên gia tâm lý và ngăn ngừa tự vẫn tại Hongkong cho hay, số lượng các bệnh nhân tới phòng khám của ông để được trợ giúp đương đầu với sự suy sụp của kinh tế đã tăng mạnh.

"Việc làm đối với người châu Á là rất quan trọng vì chúng tôi không có một hệ thống phúc lợi xã hội tốt và mất việc là đi kèm với mất mặt. Do đó, chấn thương này là rất lớn. Cùng lúc, không ít người châu Á tỏ ra ngượng khi phải nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia.

Ở châu Âu, liệu pháp tâm lý là rất phổ biến, nhưng tại châu Á, bạn sẽ bị cho là điên khi đến với một chuyên gia về tâm thần học. Người châu Á có xu hướng không bộc lộ và sự phiền muộn là khó chẩn đoán", ông Yip cho hay.

Trong số các nước phát triển, Hàn Quốc và Nhật có tỷ lệ tự vẫn cao hàng đầu thế giới, lần lượt cứ 100.000 người thì có 24,8 và 24 người tự vẫn, tiếp đó là Bỉ với 23,1; Phần Lan 20,35 và Mỹ là 11,1.

Phát động chương trình ngăn tự sát

Tỷ lệ tự vẫn ở Hàn Quốc tăng gần gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 10 năm trước đây. Theo các chuyên gia, đó là hậu quả của stress vì mất việc và thu nhập.

Khi Hàn Quốc chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái đầu tiên trong một thập niên và sản lượng xuất khẩu của nước này sụt giảm mạnh nhất, Bộ Y tế đã phát động một chương trình ngăn ngừa tự vẫn.

Các quan chức Hàn Quốc bày tỏ lo ngại khi số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2008 số người muốn tự sát do những vấn đề tài chính đã tăng gấp đôi so với 2007.

"Có một sự liên kết cơ bản giữa sự khó khăn của kinh tế với tỷ lệ tự sát cao ở Hàn Quốc", một quan chức Bộ Y tế giấu tên cho hay. Theo vị này, kế hoạch kêu gọi tăng cường số chuyên gia chăm sóc sức khoẻ và trung tâm tư vấn là nhằm giảm tỷ lệ tự vẫn xuống thêm 20% vào năm 2013.

Cũng nhằm ngăn ngừa các vụ tự vẫn, Seoul Metro - nhà điều hành tàu điện ngầm hiện quản lý 4 đường tàu ở Seoul cũng đã tăng cường lắp đặt cửa tự động ở sân ga nhằm ngăn mọi người tự sát bằng cách đâm đầu vào tàu hoả.

"Từ đầu năm tới nay, số vụ tự vẫn bằng đường sắt đã tăng mạnh hơn bình thường. Và tôi cho rằng, nó phản ánh không khí xã hội ảm đạm", một quan chức của Seoul Metro cho hay, nhưng từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

"Lắp cửa chặn là cách duy nhất ngăn những người có ý định tìm đến cái chết bằng cách nhảy khỏi sân ga và lao vào tàu. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục kế hoạch lập cửa chắn và đến cuối năm sẽ dựng cửa ở tất cả các ga mà chúng tôi điều hành", quan chức trên nói.

Lập đường dây nóng ngăn tự vẫn

Tại Nhật, khoảng nửa triệu công nhân được dự đoán sẽ bị cho thôi việc trong vòng 6 tháng. Trung tâm công nghiệp Aichi tại miền trung Nhật, quê hương của các nhà máy sản xuất xe hơi và nhiều ngành sản xuất khác, là nơi đặc biệt bị tác động mạnh.

Một quan chức tại Aichi cho hay, số người mang những vấn đề của họ tới các trung tâm về sức khoẻ tâm thần tăng gần 15% vào tháng 12/2008, so với cùng kỳ năm 2007.

Tỷ lệ tự tử ở Nhật tăng mạnh trong thời kỳ suy thoái trầm trọng vào cuối những năm 1990 khi bảo hiểm việc làm cả đời sụp đổ và hàng loạt sinh viên ra trường vật lộn tìm việc làm.

Tỷ lệ tự sát toàn cầu tăng thêm 60% trong vòng 45 năm qua và 90% đối với tất cả những trường hợp liên quan tới trầm uất và lạm dụng vật chất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay. Mỗi năm, một triệu người tự vẫn.

Tháng 10/2008, Hongkong đã lập các đường dây nóng để trợ giúp những người bị khủng hoảng tài chính tác động. Đặc khu này còn mở các phòng khám đặc trị suy sụp tại một số bệnh viện công trong tháng này.

"Các phòng khám được mở vì dự đoán sẽ có thêm nhiều người bị suy sụp vì khủng hoảng", William Chui, giám đốc tổ chức Viện dược sĩ cho biết.

Các bác sĩ Hongkong đưa ra báo cáo cho biết, họ tiếp thêm nhiều bệnh nhân có những dấu hiệu căng thẳng thần kinh như ù tai, đau đầu, khó thở, mất ngủ và đau ngực.

Pinky Yung thuộc Trung tâm nghiên cứu và khủng hoảng gia đình Caritas cho biết, nhiều người đã mất toàn bộ hoặc phần lớn tiền tiết kiệm. Trong số 2.301 bệnh nhân tìm tới trung tâm để chữa trị kể từ tháng 10 năm ngoái, 8% có ý định tự vẫn. "Nhiều người trong số bệnh nhân trước đây sống rất tằn tiện và họ đã mất toàn bộ tiền và khoản bảo đảm cuộc sống đã dành dụm cả đời", ông Yung nói.

"Những người có sự trợ giúp của gia đình, có việc làm thường đương đầu với khủng hoảng tốt hơn. Phần lớn những người tìm đến các trung tâm để nhờ cậy giúp đỡ thuộc nhóm trung niên và họ không thể kiếm lại số tiền đã mất. Vấn đề của họ hiện là bất an, mất ngủ và không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai".

Theo Hoài Linh (VNN/ Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm