Syria tổ chức trưng cầu dân ý

Thời gian bỏ phiếu kéo dài 12 giờ. Trưng cầu dân ý được tổ chức theo sắc lệnh của Tổng thống Bashar al-Assad ban bố ngày 15-2.

Dự thảo hiến pháp mới bao gồm nhiều cải cách mà chính phủ đã hứa hẹn trước đó, trong đó có các nội dung chủ yếu như sau:

Quyền lực chính trị phải được thực hành một cách dân chủ thông qua bỏ phiếu.-l Bỏ điều khoản của hiến pháp hiện hành khẳng định đảng Ba’ath của Tổng thống Assad là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Tổng thống Syria phải được người dân bầu cử trực tiếp. Nhiệm kỳ tổng thống chỉ được kéo dài tối đa hai nhiệm kỳ với mỗi nhiệm kỳ bảy năm. Quy định về bầu cử tổng thống không có tác dụng hồi tố mà chỉ bắt đầu được áp dụng cho bầu cử tổng thống năm 2014 (có nghĩa là Tổng thống Assad có thể cầm quyền đến năm 2028 nếu tái đắc cử).

Syria tổ chức trưng cầu dân ý ảnh 1

Một phụ nữ ở thủ đô Damascus (Syria) cầm tờ bướm giải thích các thay đổi trong dự thảo hiến pháp mới. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Dự thảo hiến pháp mới khẳng định quyền lực rộng lớn của tổng thống gồm bổ nhiệm thủ tướng, nội các và trong một số trường hợp có thể phủ quyết luật do Quốc hội trình lên.

Một ủy ban trung ương gồm bộ trưởng và hai thứ trưởng Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ giám sát trưng cầu dân ý.

Dự thảo hiến pháp mới đưa ra nhiều cải cách quan trọng nhưng phe đối lập vẫn phớt lờ. Hai nhóm đối lập gồm Hội đồng Dân tộc Syria và Cơ quan Điều phối quốc gia Syria về thay đổi dân chủ (tập hợp 15 đảng đối lập) tuyên bố tẩy chay trưng cầu dân ý vì thay đổi hiến pháp chỉ mang tính chất giả tạo.

Tại các điểm nóng xung đột như tỉnh Homs và tỉnh Daraa, người dân đi bỏ phiếu rất ít. Tại thủ đô Damascus, người dân háo hức đi bỏ phiếu.

Trong khi đó, báo Ả Rập Asharq Al-Awsat (có trụ sở ở Anh) dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang sẵn sàng cho khả năng can thiệp quân sự ở Syria.

Theo quan chức này, nếu sắp tới Hội đồng Bảo an LHQ không thông qua được nghị quyết gây sức ép với Syria, Mỹ sẽ lập vùng đệm ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận dân tị nạn Syria. Mỹ cũng có thể sẽ phong tỏa hàng không ở một số khu vực của Syria.

Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo Trung Quốc và Nga sẽ không thay đổi quan điểm phản đối can thiệp quân sự ở Syria, tuy nhiên hai nước này có thể sẽ tham gia cứu trợ nhân đạo.

Ngày 25-2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố thông tin do Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (trụ sở ở London, Anh) cung cấp rất đáng nghi ngờ. Bộ Ngoại giao Nga cho biết nhân viên của tổ chức này chỉ có hai người là giám đốc và thư ký kiêm phiên dịch. Người tên Rami Abdel Rahmane lãnh đạo tổ chức không qua đào tạo báo chí, luật và không có cả trình độ CĐ. Trả lời báo chí hồi tháng 11-2011, người này cho biết thường xuyên cư trú ở London, là công dân Anh và làm doanh nghiệp (chủ quán bar). Rất nhiều báo chí sử dụng thông tin của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria khi dẫn số liệu thương vong tại Syria.

H.DUY (Theo RIA Novosti)

THẠCH ANH (Theo AFP, AP, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm