Tam giác Mỹ-Ukraine-Nga khi việc luận tội ông Trump kéo dài

Nhiều lời khai chấn động và mang tính bước ngoặt đã được ghi nhận tại buổi điều tra luận tội ngày 20-11 liên quan tới cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25-7. Vụ bê bối đã gần như đóng băng quan hệ song phương Mỹ - Ukraine và dấy lên những hoài nghi quanh việc Washington hỗ trợ Kiev.

“Bom tấn” trong phiên điều trần

Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland nói rằng mặc dù Tổng thống Trump không bao giờ trực tiếp nói rằng ông muốn Ukraine điều tra con trai của đối thủ chính trị - cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng những hướng dẫn từ luật sư riêng của ông Trump, ông Rudy Giuliani, đã “phản ánh mong muốn và yêu cầu của Tổng thống Trump”.

“Chúng tôi đều hiểu rằng nếu từ chối làm việc với ông Giuliani, chúng tôi sẽ mất một cơ hội quan trọng để gắn kết mối quan hệ Mỹ - Ukraine. Chúng tôi đã làm theo lệnh của tổng thống” - ông Sondland tuyên bố.

Sau đó Đại sứ Sondland tái khẳng định giữa hai bên đã có trao đổi lợi ích. Theo đó Kiev đồng ý điều tra về ông Joe Biden để đổi lấy một chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Zelensky.

Hãng tin BBC nhắc lại rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ của nước ngoài để đạt lợi thế trong cuộc bầu cử là bất hợp pháp ở Mỹ.

Trong lời khai của mình, ông Sondland còn tiết lộ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cùng các quan chức cấp cao khác đều biết rõ về những gì ông Sondland nói với các quan chức Ukraine. “Ai cũng bị cuốn vào vòng xoáy này” - ông Sondland nói, đồng thời cung cấp tin nhắn giữa ông và Ngoại trưởng Pompeo về việc dùng tiền viện trợ nhằm gây sức ép để buộc Ukraine tiến hành điều tra cha con Joe Biden.

Cũng theo ông Sondland, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng ít nhiều có liên quan tới vụ việc. “Khi tôi bày tỏ lo ngại rằng sự chậm trễ trong việc viện trợ có liên quan đến vấn đề điều tra, ngài phó tổng thống đã gật đầu” - ông Sondland khẳng định.

Một nhân chứng khác, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper cũng đã tham dự phiên điều trần trước hạ viện tuần qua. Bà Cooper kể lại nhân viên của bà đã nhận được một email từ Bộ Ngoại giao hôm 25-7 với nội dung nêu rõ thắc mắc của Đại sứ quán Ukraine và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về số phận của khoản viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine của Mỹ. Những email đó được gửi chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa tổng thống hai nước, hãng tin NBC cho biết.

Tổng thống Trump hiện đã phủ nhận tất cả cáo buộc và liên tục nói rằng “không có sự trao đổi lợi ích nào cả”. Ông đã gọi cuộc điều tra là một “cuộc săn phù thủy” và khẳng định ông không tiếp xúc hay làm việc nhiều với Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland.

Ukraine sẽ là nạn nhân bất đắc dĩ lớn nhất trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN

Ukraine mất vị thế

Lời khai chấn động của ông Sondland chắc chắn là bước ngoặt trong quy trình luận tội Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, một điểm lưu ý là toàn bộ quy trình luận tội lần này không diễn ra tại tòa án mà là một phiên điều trần chính trị. Do đó, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh tiêu chuẩn của bằng chứng cho luận tội ở đây sẽ thấp hơn so với trong phòng xử án.

Trả lời phỏng vấn ngày 24-11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết NATO trong thời gian tới không có ý định kết nạp Ukraine trở thành thành viên chính thức trong khối cũng như đối đầu trực tiếp với Nga. Dù vậy, ông O’Brien khẳng định Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. 

Dù điều này thoạt nghe sẽ gây bất lợi cho ông Trump nhưng thực chất bản chất chính trị của việc luận tội cuối cùng vẫn sẽ là lợi thế lớn nhất của ông chủ Nhà Trắng, hãng tin AP cho biết. Theo đó, nếu ông bị luận tội, thượng viện hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ tìm mọi cách để ông tiếp tục ở lại Washington, D.C.

Mặt khác, vụ bê bối điện đàm đã đẩy quan hệ Ukraine - Mỹ vào bước lùi mới dù quốc gia Đông Âu này vẫn đóng vai trò quan trọng trong đối sách ngoại giao của Washington với Nga. Theo hãng tin BBC, quyền tự quyết của người dân Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của Nga đã được Mỹ công khai lên tiếng ủng hộ và bảo vệ từ thời cựu tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy chính phủ Kiev nhiều khả năng đã không còn trông chờ vào sự hỗ trợ tương tự khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.

Đối với Ukraine, việc có được hỗ trợ từ phía Mỹ, nhất là các hỗ trợ quân sự, giúp nước này đủ khả năng đối mặt với những áp lực từ Nga. Tuy nhiên, vụ bê bối điện đàm và những lời khai “bom tấn” mới đây chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế của Tổng thống Zelensky, đặc biệt dấy lên lo ngại nhà lãnh đạo Ukraine sẽ phải “xuống nước” trước Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở Pháp tháng tới.

Mỹ có mối quan hệ lâu dài với quân đội Ukraine và đã cam kết các khoản viện trợ trị giá gần 1,5 tỉ USD kể từ năm 2014. Phần lớn trong số đó đã được dành cho việc huấn luyện binh lính và hiện đại hóa cách thức tổ chức và hoạt động của quân đội Ukraine. Khoản viện trợ mới nhất trị giá 391 triệu USD và bao gồm một loạt hỗ trợ về kỹ thuật và vũ khí. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm