Trong bài phát biểu mở đầu phiên điều trần kéo dài nhiều tiếng đồng hồ hôm 20-11 (giờ địa phương), Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland thừa nhận đã làm theo các chỉ đạo của Tổng thống Trump để gây áp lực cho Ukraine điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Ông Sondland nhấn mạnh mặc dù là đại sứ Mỹ tại EU và Ukraine không phải thành viên của khối này nhưng công việc của ông bao gồm cả giải quyết các vấn đề về Ukraine cùng với các đồng nghiệp khác. Ông Sondland tiết lộ đã nhận các chỉ đạo về Ukraine từ Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump.
Những lời khai của Đại sứ Sondland được xem là quả bom tấn mới nhất trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, theo bbc.
Những tiết lộ chấn động
“Chúng tôi không muốn làm việc với ông Giuliani. Nói một cách đơn giản, chúng tôi phải chơi lá bài được chia tới tay. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng nếu chúng tôi từ chối làm việc với ông Giuliani, chúng tôi sẽ mất một cơ hội quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine. Vì vậy, chúng tôi đã làm theo các lệnh của tổng thống” - ông Sondland giải thích.
Theo ông Sondland, luật sư Giuliani mong muốn có một tuyên bố công khai từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc xúc tiến điều tra nghi vấn tham nhũng của Burisma, công ty năng lượng của Ukraine mà con trai cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden làm thành viên hội đồng quản trị, bên cạnh các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Sondland cũng xác nhận một cách rõ ràng rằng chính quyền ông Trump đã trao đổi lợi ích với Ukraine và rằng ông Trump còn tạm hoãn tổ chức một cuộc gặp tại Nhà Trắng với lãnh đạo Ukraine cho đến khi Ukraine chịu mở cuộc điều tra nhằm vào gia đình Biden.
Ông Sondland nêu rõ khi nghe các tin đồn về việc Washington đóng băng viện trợ quân sự cho Kiev, ông đã gọi điện thoại cho ông chủ Nhà Trắng để hỏi. Tổng thống Trump sau đó đáp rằng ông “không muốn thứ gì và cũng không có chuyện có đi có lại nào cả” với Ukraine. “Hãy bảo ông Zelensky làm việc đúng đắn” là những gì ông Trump đã nói lại với Đại sứ Sondland.
Ông Sondland khẳng định ông “phản đối quyết liệt” việc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine và chưa bao giờ được thông báo lý do tại sao việc đó lại xảy ra. Song ông tin điều này có liên quan đến việc Ukraine chưa công bố các cuộc điều tra tham nhũng. Đại sứ cho biết sau đó đã nói với một trợ lý của Tổng thống Zelensky rằng: “Tôi tin việc khôi phục viện trợ Mỹ nhiều khả năng không xảy ra cho đến khi Ukraine có hành động nào đó về tuyên bố công khai mà chúng ta đã thảo luận nhiều tuần qua”.
Đáng chú ý, ông Sondland khăng khăng đây không phải là kế hoạch bí mật như một số người chỉ trích ám chỉ. Đại sứ cho biết mọi việc đều minh bạch và được các cấp trên của ông “hoàn toàn ủng hộ”. Các lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia và Nhà Trắng, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo đều đã được thông báo về chính sách với Ukraine và không có bất kỳ phản đối nào. Ông thậm chí tuyên bố đã thảo luận về việc viện trợ quân sự bị trì hoãn với Phó Tổng thống Mike Pence trong một chuyến công du tới Warsaw (Ba Lan) hồi tháng 9.
Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland (phải) hộ tống Tổng thống Donald Trump khi ông đến thăm căn cứ không quân Melsbroek ở Brussels (Bỉ) tháng 7-2018. Ảnh: AP
Tuy nhiên, sau phiên điều trần, chánh văn phòng phó tổng thống đã phủ nhận việc ông Pence từng trao đổi với ông Sondland về “điều tra cha con Biden, Burisma hay các điều kiện để giải ngân viện trợ tài chính cho Ukraine căn cứ vào các cuộc điều tra”. Tương tự, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cũng bác bỏ việc ông Sondland đã thảo luận những việc này với Ngoại trưởng Pompeo.
Ông Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, cũng phủ nhận lời khai của Đại sứ Sondland và nói “chưa từng gặp cũng như chẳng mấy khi gọi điện thoại” cho vị quan chức này.
Tạp chí Time mới đây tiết lộ ít nhất ba nguồn tin nội bộ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể đang cân nhắc từ chức vào năm sau. Một trong các lý do được đưa ra là ông Pompeo lo ngại cuộc điều tra hiện tại sẽ ảnh hưởng tới cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ bang Kansas vào năm sau của ông. |
Ông Trump và đồng minh trước sức ép mới
Theo tờ The Washington Post, phiên điều trần ngày 20-11 là một thất bại cực kỳ lớn cho ông Trump và đảng Cộng hòa khi phe này hy vọng Đại sứ Gordon Sondland sẽ đưa ra những lời khai có lợi cho ông chủ Nhà Trắng, đồng thời phá tan cáo buộc Tổng thống Trump trực tiếp điều hành cấp dưới trong vụ việc. Thế nhưng ông Sondland đã làm một cú ngược dòng làm sửng sốt tất cả nghị sĩ có mặt trong buổi điều trần.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nhận định vụ bê bối có quy mô rất lớn sau lời khai của đại sứ Mỹ tại EU. Ông đồng thời cảnh báo những quan chức đang từ chối cung cấp tài liệu cùng lời khai sẽ “tự chuốc họa vào thân”, nhấn mạnh hành động cản trở điều tra Hạ viện có thể được bổ sung vào cáo trạng luận tội. “Đây là khoảnh khắc quan trọng trong cuộc điều tra của chúng tôi và bằng chứng ông Sondland đưa ra thực sự có ý nghĩa” - ông Schiff cho biết.
Trong khi đó, đài CNN lưu ý một chi tiết rất quan trọng: Phần lớn các cuộc điều tra hợp pháp được thực hiện một cách bí mật để không đánh động những đối tượng tình nghi. Thế nhưng ông Zelensky lại bị ép phải công khai tuyên bố mở điều tra về Burisma. “Việc này cho thấy việc mở cuộc điều tra thực chất là nhằm gây sức ép với đối thủ của ông Trump, mang lại lợi ích chính trị cho ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử, thay vì mục đích chống tham nhũng mà ông nói trước đó” - CNN khẳng định.
Do vậy, dù vô tình hay hữu ý, Đại sứ Sondland cũng đã xác nhận điểm quan trọng nhất của đảng Dân chủ rằng việc ông Trump đề nghị Ukraine mở cuộc điều tra thực chất chỉ nhằm khuếch trương chiến dịch tái tranh cử của bản thân.
Tổng thống Putin nói gì về cuộc điều tra luận tội ông Trump? Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Moscow ngày 20-11 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vụ điều tra sẽ khiến Nga không còn bị cáo buộc cố tình can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. “Washington cáo buộc Kiev thì để họ tự thu xếp với nhau” - đài RT dẫn lời ông Putin cho biết. Dù vậy, Tổng thống Putin nói Nga “luôn tôn trọng Mỹ” và hai bên có nhiều lợi ích chung. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh chính trị trong nội bộ nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Mỹ và ông hy vọng việc này sẽ sớm kết thúc. |