Tàu thám hiểm Trung Quốc đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa

Theo tờ South China Morning Post, sau bảy tháng du hành vũ trụ, ba tháng quay quanh quỹ đạo và “chín phút kinh hoàng”, tàu thám hiểm Zhu Rong của Trung Quốc ngày 15-5 đã hạ cánh thành công lên bề mặt Sao Hỏa.

Theo đó, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đưa thành công tàu thám hiểm lên hành tinh này.

Trung Quốc đáp thành công tàu thám hiểm lên bề mặt Sao Hỏa. Ảnh: WEIBO

Trong thông báo hôm 15-5, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu thám hiểm Zhu Rong - được ghép từ các thuật ngữ “Zhu” (mong muốn) và “Rong” (hợp tác) – hôm 15-5 đã hạ cánh thành công lên Sao Hỏa sau "chín phút kinh hoàng".

“Chín phút kinh hoàng” là quãng thời gian cần thiết để đi vào khí quyển sao Hỏa và hạ cánh xuống bề mặt, trong đó các kỹ sư tại Trái đất không thể kiểm soát, giám sát máy dò hay có bất kì sự can thiệp nào vì sự chậm trễ của tín hiệu vô tuyến.

“Thông qua tín hiệu đo từ xa do tàu thám hiểm Zhu Rong truyền về từ Sao Hỏa, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã xác nhận rằng tàu đổ bộ Tianwen-1 ngày 15-5 đã hạ cánh thành công tại khu vực Utopia Planitia phía nam Sao Hỏa” – tuyên bố của CNSA nêu rõ.

Zhu Rong là một phần của tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, Tianwen-1, được phóng vào tháng 7-2020. Tàu thăm dò Zhu Rong đã đến được Sao Hỏa và bắt đầu quay quanh quỹ đạo từ tháng 2.

Nếu tàu thám hiểm Zhu Rong thành công trong sứ mệnh thu thập và gửi lại thông tin về bề mặt sao Hỏa trong 90 ngày tới, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai hoàn thành sứ mệnh sau Mỹ. Trước đó, Liên Xô đã đáp thành công tàu thăm dò Mars 3 lên Sao Hỏa vào năm 1971, song tàu thăm dò đã ngừng gửi tín hiệu ngay sau đó.

Một nhà nghiên cứu của CNSA cho biết quá trình đáp lên sao Hỏa của tàu Zhu Rong sẽ "khó hơn nhiều" so với sứ mệnh phóng tàu thăm dò mang theo robot tự hành Jade Rabbit (Thỏ Ngọc) của nước này lên Mặt trăng hồi năm 2013, do khoảng cách xa hơn nhiều so với Trái đất khiến việc truyền sóng vô tuyến trở nên khó khăn hơn.

Sứ mệnh thành công của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.

Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, Mỹ từ trước đến nay là nước dẫn đầu, song Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, đã đáp thành công Tàu Hằng Nga 5 xuống Mặt trăng để thực hiện sứ mệnh khảo sát bề mặt và thu thập đất đá từ hành tinh này. Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Trước Trung Quốc, chỉ có Mỹ và Liên Xô “hạ cánh mềm” thành công lên Sao Hỏa. Hạ cánh mềm có nghĩa là tàu vũ trụ thực hiện một cú đáp nhẹ nhàng xuống bề mặt hành tinh mà không có bất kỳ thiệt hại đáng kể nào, quá trình vốn đòi hỏi các quy trình điều khiển và giảm tốc phức tạp.

Hạ cánh trên hành tinh đỏ - nơi được biết đến với môi trường khắc nghiệt và đặc biệt là những cơn bão bụi cực mạnh - là một thách thức rất lớn khi chỉ một nửa trong số các chuyến đi thành công.

Có thể mất tới 20 phút để tín hiệu vô tuyến truyền giữa Sao Hỏa và Trái đất. Quá trình hạ cánh thường chỉ mất khoảng bảy đến chín phút, nhưng quá trình này sẽ dẫn đến tình trạng mất liên lạc, được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi là “bảy (hoặc chín) phút kinh hoàng”, trong đó các kĩ sư tại Trái Đất không thể điều khiển tàu hạ cánh và phải để nó tự thực hiện việc này.

Đến nay, NASA đã hạ cánh thành công ba tàu thăm dò lên Sao Hỏa, trong đó lần đáp gần nhất là của tàu Perseverance hồi tháng 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm