Thái Lan đứng trước mối nguy chiến tranh phe phái

Người Hồi giáo ở Thái (Ảnh AP)
Người Hồi giáo ở Thái (Ảnh AP)

Vừa qua, 10 người Hồi giáo đã bị giết khi một tay súng vãi đạn vào một thánh đường trong buổi cầu nguyện tối. Ngoài ra, một phật tử 53 tuổi bị bắn chết, chặt đầu và tay chân rồi bị bêu đầu lên một cái que.

Lực lượng Hồi giáo ly khai đã làm bùng lên cuộc nổi dậy vào tháng 1/2004, gây ra vòng tròn trấn áp và nổi loạn làm hơn 3.500 người thiệt mạng. Bất lực trước bạo lực, lực lượng an ninh Thái đã tích cực vũ trang cho lực lượng dân phòng, hầu hết là những người theo đạo Phật, để bảo vệ dân làng.

Việc phổ biến súng, nhiều lúc được đặt vào tay những nhóm chưa được đào tạo, khiến tình hình càng trở nên bất ổn.

Vụ tấn công hôm 8/6 nhằm vào thánh đường Al Furqan tại quận Joh-I-Rong, tỉnh Narathiwat và những hậu quả của nó cho thấy sáng kiến trên đã đem lại kết quả trái với mong đợi. Được suy tính kỹ, 5 hoặc 6 tay súng đeo mặt nạ, mặc đồ đen đã vãi đạn bên trong thánh đường làm hàng chục người thiệt mạng.

Nhiều người Hồi giáo địa phương tin rằng vụ thảm sát ở thánh đường là để trả thù cho việc một phật tử là công nhân trồng cao su ở quận gần đó bị giết hại vào sáng sớm cùng ngày.

Hầu hết mọi người đều miễn cưỡng tin rằng lực lượng Hồi giáo nổi dậy tấn công thánh đường cho dù phần đông số nạn nhân của quân nổi dậy trong suốt 5 năm rưỡi qua là người Hồi giáo. Quân nổi dậy thường nhằm vào những người hợp tác với chính phủ, hoặc những người nỗ lực thúc đẩy ôn hoà hoặc hoà giải với mục đích ngăn chặn những cố gắng của họ.

Tổ chức phi bạo lực quốc tế đóng tại Mỹ nhận xét: "Mỗi hành động bạo lực mới không chỉ kích động trả thù mà còn đem tới cảm giác về chủ nghĩa cực đoan dân tộc và phân chia tín ngưỡng".

"Tôi không tin rằng người Hồi giáo sẽ làm một việc như vậy. Từ khi còn bé, chúng tôi đã được dạy rằng thánh đường là nhà của đấng Allah" Vanasae Kuwaekama, có cha là thầy tế và là một trong những nạn nhân cho biết. "Tôi hy vọng chính phủ sẽ tìm ra kẻ tấn công để những đồn đoán tạo tiếng xấu cho người Hồi giáo sẽ chấm dứt".

Thái Lan, nước có dân số phần đông theo đạo Phật, đã sáp nhập khu vực phía nam có phần đông người Hồi giáo sinh sống từ đầu thế kỷ 20. Người Hồi giáo từ lâu phàn nàn rằng họ bị đối xử như công dân hạng hai, không có cơ hội học hành và làm việc như phần đông dân chúng còn lại.

Theo Hoài Linh (VNN/ AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm