Tham vọng của Trung Quốc trong thập niên tới

Năm 2020 vừa đến và mở ra một thập niên mới với nhiều thách thức và cơ hội cho Trung Quốc (TQ). Là cường quốc với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, TQ kỳ vọng vào những mục tiêu thế kỷ của mình sẽ tăng tốc, nỗ lực vươn lên vị thế dẫn đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Nhiều nhà phân tích còn cho rằng thập niên tới sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân mảnh của các hệ thống quốc tế phương Tây và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của những tổ chức có TQ đóng vai trò chủ chốt.

Một thập niên gập ghềnh

Một số chuyên gia dự đoán TQ sẽ tiếp tục đối đầu với Mỹ không những trên thương trường mà còn trong những vấn đề đáng chú ý khác như biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, quân sự và an ninh mạng trong những năm tới.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung khi hai nước tỏ ra đối đầu trên nhiều lĩnh vực. Cây bút Martin Jacques của tờ The Guardian lý giải nguyên nhân căn bản của sự thay đổi này là mối lo ngại TQ đe dọa vị thế dẫn đầu thế giới của Mỹ.

“TQ với vai trò và vị trí ngày càng ưu thế hơn trên thị trường toàn cầu, đặc biệt sau sáng kiến Vành đai - Con đường hay việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đã làm trầm trọng hơn nỗi sợ này” - ông Jacques nhấn mạnh.

Tờ South China Morning Post dẫn lời chiến lược gia quốc tế Andrew K.P. Leung còn cho biết trong khi Nhà Trắng vẫn chưa từ bỏ những chiến lược đối trọng Bắc Kinh, TQ sẽ nỗ lực hơn để hoàn thành hai mục tiêu thiên niên kỷ của họ. Đó là xây dựng xã hội TQ phát triển toàn diện trước năm 2021 và trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, dân chủ, văn minh, hài hòa, hiện đại trước năm 2049.

Trong bối cảnh Mỹ và TQ chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đã có nhiều báo cáo cho thấy nền kinh tế hai nước đang chịu những thiệt hại đáng kể và có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm nay. Số liệu năm 2019 chỉ rõ sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng GDP, sản lượng xuất nhập khẩu, sức mua trong ngành công nghiệp sản xuất của cả hai nước trong khi thâm hụt cán cân thương mại Mỹ với TQ không thay đổi nhiều, hãng tin CNBC cho biết. Chuyên gia Leung dự đoán tăng trưởng kinh tế của TQ sẽ rơi vào khoảng 5%-6% trong những năm tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự diễn đàn Vành đai - Con đường diễn ra ở Bắc Kinh ngày 26-4-2019. Ảnh: REUTERS

Nhiều tham vọng

Để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của mình cũng như vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Bắc Kinh đang đẩy mạnh phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực như mạng di động 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng sạch.

Đáng chú ý là cách TQ khuyến khích người trẻ học lập trình và cập nhật chương trình giảng dạy trong nhà trường với các cuốn sách về AI, điện toán lượng tử nhằm hoàn thành mục tiêu dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này trước năm 2030, theo hãng tin Euronews.

46,4 là phần trăm số bằng sáng chế của Trung Quốc so với tổng số được nộp trên toàn cầu năm 2018, theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). 

Ngoài ra, TQ có thể trở thành một siêu cường quốc sử dụng năng lượng xanh trong thập niên tới, chuyên gia Leung nhấn mạnh. Theo một báo cáo được Công ty Elsevier (Hà Lan) công bố, TQ sẽ có thể sản xuất được 26% năng lượng tái tạo trong vòng 10 năm tới.

South China Morning Post còn cho biết TQ hiện là nước sản xuất, xuất khẩu và lắp đặt các tấm pin mặt trời, turbine gió và xe điện lớn nhất thế giới, vượt mặt Nhật Bản, Đức và Mỹ. TQ đã đăng ký 150.000 bằng sáng chế năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 30% tổng bằng đăng ký trên thế giới. Con số này ở Mỹ là 100.000, Nhật Bản là 75.000 và Liên minh châu Âu (EU) là 75.000.

Bên cạnh sáng kiến Vành đai - Con đường gây nhiều tranh cãi, TQ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án kinh tế - xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy việc hội nhập xuyên quốc gia và khu vực. Tiêu biểu như sáng kiến Đối tác kinh tế toàn diện khu vực hay dự án kinh tế tham vọng cho vùng vịnh lớn.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia TQ, thương mại tích lũy của TQ với các nước tham gia dự án Vành đai - Con đường đã vượt 7.000 tỉ USD trong năm 2018, với khoản đầu tư hơn 30 tỉ USD. Các chuyến tàu chở hàng TQ-châu Âu kết nối các thành phố của TQ với 49 thành phố ở 15 quốc gia châu Âu. Tính đến năm 2018, TQ đã ký 171 văn bản hợp tác với hơn 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Trung Quốc trong thập niên qua

Theo tờ The Guardian, TQ đã thay thế Mỹ đóng vai trò là nguồn tăng trưởng kinh tế toàn cầu chính trong thập niên vừa qua. Năm 2014, TQ vượt Mỹ trở thành nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo chương trình so sánh quốc tế của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của TQ trong thập niên qua đã giảm xuống còn 6,2% nhưng TQ vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Nền kinh tế của TQ ngày nay thậm chí lớn gấp đôi so với năm 2010. TQ của bây giờ khác với TQ của năm năm trước (vốn thường bị dán mác hàng nhái và rẻ tiền): TQ nay đã chứng minh mình có một nền kinh tế đổi mới mạnh mẽ. Tác giả của quyển sách Khi TQ thống trị thế giới (When China Rules the World) cho rằng TP Thâm Quyến đã có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon (Mỹ), trong khi các tập đoàn lớn của TQ như Huawei, Tencent hay Alibaba có thể xếp ngang hàng với các tập đoàn Microsoft, Google, Facebook hay Amazon. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm