Thưởng liêm chính bằng tiền tiết kiệm

Từ ngày 1-7, TP Giang Môn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã thử nghiệm cơ chế quỹ tiết kiệm liêm chính trong bộ máy công chức. Theo thông báo mang tên Biện pháp thực thi quỹ tiết kiệm liêm chính trong các cơ quan trực thuộc TP Giang Môn, công chức tự nguyện và chính quyền thành phố cùng nộp tiền theo tỉ lệ 1:1 vào tài khoản tiết kiệm. Tùy chức vụ và bậc lương, mỗi tháng mỗi công chức sẽ nộp 300-1.600 nhân dân tệ (825.000-4,4 triệu đồng VN).

Mỗi kỳ lãnh tiền là năm năm. Sau năm năm, nếu công chức nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về liêm chính, không bị kỷ luật hay xử phạt thì sẽ được nhận 70% số tiền công chức cùng chính quyền đã nộp tương ứng. 30% còn lại sẽ được nhận khi về hưu.

Nếu công chức có sai phạm, tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị trừ tiền 50%-100% số tiền công chức cùng chính quyền đã nộp tương ứng. Nếu sai phạm trong thời gian tại chức nhưng về hưu mới bị xử lý thì bị trừ lương hưu.

Thưởng liêm chính bằng tiền tiết kiệm ảnh 1

Cán bộ ngồi trên mũ quan. Chữ hai bên mũ: Cục trưởng. Chữ trên vại nước: Rửa tiền. Chữ trên các thỏi bạc: Hối lộ

Thực ra dư luận có nhiều ý kiến nghi ngờ về quỹ tiết kiệm liêm chính. Giáo sư Trúc Lập Gia ở Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc nói thẳng: “Đây là một hình thức tạo phúc lợi biến tướng cho công chức. Quỹ tiết kiệm liêm chính sẽ không có tác dụng ngăn chặn tham nhũng, ngược lại rất dễ tạo phản cảm trong quần chúng”.

Tiến sĩ Chu Liệt Ngọc, Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Quốc Đỉnh TP Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), cho rằng mục đích xây dựng quỹ rất tốt đẹp nhưng nếu làm không tốt sẽ trở thành hình thức biến tướng gia tăng đãi ngộ cho công chức.

Theo Giáo sư Trúc Lập Gia, mấu chốt trong công tác phòng chống tham nhũng là thực hiện các biện pháp đã ban hành như công chức công khai tài sản, chính phủ công khai cơ chế dự toán… Ông nhận xét hiện rất nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt công tác công khai dự toán hành chính.

Trước dư luận phê phán, ngày 1-7, tổ lãnh đạo công tác xây dựng quỹ tiết kiệm liêm chính TP Giang Môn đã tổ chức họp báo và nhấn mạnh đây không phải là hình thức biến tướng đãi ngộ công chức. Theo phân tích của tổ lãnh đạo, quỹ tiết kiệm liêm chính có bốn đặc điểm khác với quỹ phúc lợi:

- Tiền phúc lợi là tiền do chính phủ cấp cho cán bộ, còn tiền trong quỹ tiết kiệm liêm chính do chính quyền và công chức cùng nộp.

- Thời gian nộp tiền dài, quy định mỗi kỳ là năm năm. Giữa các kỳ không được rút tiền và sử dụng tiền. Đến khi về hưu mới được lấy hết toàn bộ tiền.

- Quỹ tiết kiệm liêm chính có mức độ mạo hiểm cao. Nếu sai phạm, công chức không những bị trừ khoản tiền chính quyền nộp cho mà còn bị trừ cả khoản tiền bản thân đã nộp.

- Quỹ tiết kiệm liêm chính có tính chất ràng buộc, có tác dụng giáo dục, cảnh cáo và thúc đẩy công chức chấp hành pháp luật cho đến khi về hưu.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm