Trật tự y tế toàn cầu sẽ ra sao sau đại dịch COVID-19?

Sau hơn một năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã gây bệnh cho hơn 112 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người. Vaccine được coi là cứu cánh giúp giảm số ca nhiễm và ca tử vong để các nước từng bước dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và khôi phục nền kinh tế. Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần lượt phê duyệt hai loại vaccine của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca/Oxford đã đánh dấu điểm “bắt đầu của sự kết thúc” với hy vọng sớm chấm dứt đại dịch.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Đông Á Tom Fowdy (người Anh), câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là “khi nào” và “bằng cách nào” các nước sẽ có được vaccine ngừa COVID-19. Theo chuyên trang phân tích Economist Intelligence Unit (EIU), hơn 85 nước nghèo sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trên diện rộng trước năm 2023. Giữa bối cảnh này, Trung Quốc (TQ) và Nga đã “ghi điểm” khi nỗ lực xúc tiến việc xuất khẩu hoặc viện trợ vaccine bất chấp áp lực từ nhu cầu trong nước.

Lô vaccine Sputnik V đầu tiên mà Bolivia nhập từ Nga được chuyển đến TP La Paz (Bolivia) hôm 28-1. Ảnh: REUTERS

Phương Tây thờ ơ với bài toán vaccine của các nước nghèo

Theo hãng tin Bloomberg, hầu hết các nước phương Tây đã đặt mua lượng vaccine ít nhất đủ tiêm cho 100% công dân của họ. Thay vì tham gia các liên minh toàn cầu để chống dịch, nhiều cường quốc bị cho là theo đuổi chính sách biệt lập, điển hình là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Washington và các đồng minh bị đặt vào thế phải tự bảo vệ chính mình và đẩy các nước đang hoặc kém phát triển tụt lại phía sau trong hàng dài chờ đợi vaccine. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết triển khai 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Kế hoạch này được ví như chính sách “nước Mỹ trên hết” về vaccine, dù ông có tuyên bố từ bỏ chính sách biệt lập của người tiền nhiệm.

Nếu TQ có thể cung cấp vaccine và cứu sống một phần lớn dân số châu Phi, bạn có nghĩ người dân châu Phi sẽ nhìn nhận TQ một cách tiêu cực không?.

Cựu bộ trưởng Y tế Rwanda AGNES  BINAWAHO đặt câu hỏi 

Trong khi đó, cả Bắc Kinh và Moscow cam kết tiếp tục phân phối hàng triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn, giành ưu thế so với phương Tây trong cuộc cạnh tranh “hỗ trợ” các nước đang hoặc kém phát triển. Nga đã nỗ lực giành ưu thế về thời gian. Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép (tháng 8-2020). Moscow đã nỗ lực thuyết phục khoảng 25 nước khác đồng ý sử dụng vaccine này. Trong khi đó, sau chính sách “ngoại giao khẩu trang” được triển khai trong các làn sóng COVID-19 đầu tiên, TQ đang tiếp tục với chính sách “ngoại giao vaccine”. Bắc Kinh đã cam kết viện trợ hoặc bán vaccine cho gần như toàn bộ các nước Đông Nam Á và nhiều nước khác ở Nam Á, Trung Đông, Đông và Trung Âu.

Đặc biệt, tình cảnh của châu Phi - châu lục nghèo nhất thế giới trong cuộc đua vaccine ngừa COVID-19 giống như việc không nhìn thấy bất kỳ tia sáng nào nơi cuối đường hầm - tờ DW nhận định. Nắm bắt cơ hội này, TQ và Nga đang tích cực tiếp cận thị trường vaccine ở “lục địa đen”. Bắc Kinh và Moscow luôn nhấn mạnh rằng vaccine của họ an toàn, đã được cấp phép từ sớm và có điều kiện bảo quản ít phức tạp hơn các sản phẩm tương tự của phương Tây. Ngoài ra, TQ cam kết cung cấp vaccine miễn phí cho khoảng 20 nước ở châu Phi với danh nghĩa viện trợ nhân đạo.

Trật tự y tế toàn cầu sẽ thay đổi, cả khi COVID-19 qua đi

Trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, Mỹ và các đồng minh phương Tây thường được coi là “vị cứu tinh” hỗ trợ các nước nghèo hơn vượt qua các dịch bệnh trong quá khứ như sởi, Ebola, Zika… Từ đó, phương Tây đã trở thành nhóm dẫn đầu trật tự y tế toàn cầu. Tuy nhiên, COVID-19 được cho là đã làm thay đổi sâu sắc và lâu dài logic trên.

Theo tạp chí Foreign Policy, một số nước có thể vươn lên sau đại dịch COVID-19 vì các nước lớn khác coi trọng việc khống chế dịch bệnh trong nước hơn là thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới. Bà Anne-Marie Slaughter, người từng giữ chức giám đốc Văn phòng Hoạch định chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng đại dịch COVID-19 “đã chứng minh một cách rõ ràng chính phủ Mỹ không phải nhân tố không thể thiếu trong các vấn đề toàn cầu”. Khi còn tại nhiệm, ông Trump đã rút Mỹ khỏi WHO và từ chối tham gia chương trình phân phối vaccine của WHO. Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy các nỗ lực toàn cầu vẫn được triển khai mà không có sự tham gia của chính quyền Washington, còn Mỹ lại trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.

COVID-19 còn có thể gây ra những ảnh hưởng khác lâu dài và nghiêm trọng hơn. Hệ thống y tế toàn cầu và các tổ chức nhân đạo đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ chủ nghĩa dân tộc và nỗi lo tài chính do sự suy thoái kinh tế. Do đó, COVID-19 bị cho là đang khiến thế giới chống chịu kém hơn nếu tương lai xảy ra các đại dịch tương tự.

Ở phạm vi lớn hơn, COVID-19 cũng ảnh hưởng tới vũ đài chính trị thế giới. Đại dịch đã không thể trở thành mối quan tâm chung để các bên gác lại xung đột, mà ngược lại chính trường nhiều nước trở nên căng thẳng hơn trong khi các cặp đối đầu toàn cầu như Mỹ-Trung hay Nga-phương Tây vẫn không hạ nhiệt.

Đài CNBC cho rằng sự tích cực của TQ và Nga trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới có thể trở thành động lực để các đồng minh phi truyền thống tìm tới Bắc Kinh và Moscow. Theo tờ The Conversation, Nga bị cho là muốn “phá hoại sự thống nhất và uy tín” của Liên minh châu Âu khi nỗ lực cung cấp vaccine cho Hungary, tương tự cách Moscow gửi bác sĩ hỗ trợ Ý hồi năm ngoái. Trong khi đó, chính sách “ngoại giao vaccine” của TQ bị so sánh với chính sách “bẫy nợ” mà phương Tây luôn chỉ trích. Chuyên gia Agathe Demarais thuộc EIU còn lo ngại TQ và Nga dùng vaccine làm quân bài mặc cả để thu về các lợi ích chính trị dài hạn.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 255 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 đã được thử nghiệm lâm sàng hoặc tiền lâm sàng. Trong đó, chỉ 13 ứng viên vaccine đã bước sang giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, bao gồm hai loại đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Theo Bloomberg, tính tới ngày 12-2, hơn 130 hợp đồng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 đã được ký kết với tổng số lượng giao dịch là 9,59 tỉ liều. Trong đó, liên danh AstraZeneca/Oxford là nhà cung cấp lớn nhất khi đã cam kết bán hơn 3 tỉ liều, gấp đôi đối thủ cạnh tranh xếp sau là công ty Mỹ Novavax.

Ấn Độ là nước đã đặt mua nhiều vaccine ngừa COVID-19 nhất với 2,2 tỉ liều, chưa kể số vaccine do nước này tự phát triển. Tuy nhiên, nếu xét tới tỉ lệ dân số được tiêm chủng, Anh và Canada là hai nước dẫn đầu thế giới. Hai nước này đã đặt mua lượng vaccine đủ tiêm cho hơn 3,3 lần dân số nước mình. Các nước thuộc Liên minh châu Âu, cùng với Úc, Mỹ và nhiều nước phát triển khác cũng đặt mua lượng vaccine nhiều hơn nhu cầu thực tế trong nước. Trong khi đó, các nước đông dân như TQ, Ấn Độ, Brazil... lại khó đạt mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân. Các nước nghèo hơn còn bị tụt lại sâu hơn trong cuộc đua “tranh giành” vaccine ngừa COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm