Trung Quốc cân nhắc lời mời của Mỹ dự hội nghị quan trọng

Một tuần sau khi nhận được lời mời từ Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu của các nhà lãnh đạo toàn cầu, Bắc Kinh ngày 1-4 cho biết vẫn đang cân nhắc về việc tham dự, đồng thời nêu rõ những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc đối phó Washington, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Theo các nhà phân tích, phản ứng trên của Trung Quốc đã cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan chính trị đối với Bắc Kinh, vốn đã nuôi dưỡng hy vọng về việc thiết lập lại quan hệ song phương thông qua hợp tác trong vấn đề khí hậu.

Trung Quốc cân nhắc lời mời của Mỹ đến hội nghị quan trọng. Ảnh: AP

Trong phản hồi chính thức đầu tiên trước lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden được gửi đi vào ngày 26-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 1-4 cho biết Bắc Kinh vẫn chưa quyết định về việc nước này tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo từ hơn 40 quốc gia hay không.

“[Chúng tôi] đã nhận được lời mời và đang cân nhắc kỹ lưỡng. Phía Trung Quốc sẽ đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và sẵn sàng tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế thông qua ý kiến đóng góp của chúng tôi” - ba Hoa cho biết.

Theo các nhà quan sát, phát ngôn của bà Hoa cho thấy tình thế khó khăn mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc thực hiện cam kết đầy tham vọng về khí hậu được đưa ra hồi năm 2020 và quan trọng hơn là trong việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa hợp tác và cạnh tranh với chính quyền ông Biden.

Các nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ “gần như chắc chắn” chấp nhận lời mời, bất chấp sự làn sóng phản ứng gay gắt của các nước trong những tuần gần đây về tình trạng nhân quyền tại Tân Cương và Hong Kong.

SCMP dẫn lời ông Shi Yinhong - chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại ĐH Nhân dân tại Bắc Kinh - nhận định: “Lời mời của ông Biden không nên được coi là một sự quá khích từ Nhà Trắng. Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đa phương và đó là điều chắc chắn”.

Theo ông Li Shuo - nhân viên cấp cao về chính sách năng lượng và khí hậu tại tổ chức Greenpeace Đông Á, việc Bắc Kinh do dự trong việc chấp nhận lời mời của Mỹ nhiều khả năng xuất phát từ lo ngại về những gì nước này có thể phải đối mặt.

“Đó là một bài kiểm tra khó đối với Trung Quốc. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng theo đuổi mục tiêu carbon trung tính mà nước này đã đưa ra vào năm 2020 hay không” - ông Li nói.

Trước đó, ông Tập hồi tháng 9-2020 đã công bố Trung Quốc đặt mục tiêu lượng phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060.

Hợp tác về khí hậu, quan hệ Mỹ-Trung sẽ khởi sắc?

Theo ông Li, bất kỳ cam kết mới nào từ Bắc Kinh trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến dịch khí hậu toàn cầu, cũng như cuộc chiến về vấn đề môi trường trong nước, và cũng có thể quyết định số phận của hợp tác về biến đổi khí hậu trong quan hệ của Trung Quốc với chính quyền ông Biden.

“Nếu Trung Quốc quyết định trao 'món quà' [cam kết về khí hậu trong lành] cho chính quyền ông Biden, điều này sẽ có một số tác động tích cực đến mối quan hệ Mỹ-Trung vì sẽ giúp ông Biden thuyết phục người dân trong nước rằng rằng Washington vẫn còn khả năng hợp tác với Bắc Kinh” - ông Li nói.

“Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chọn không làm như vậy, sẽ khó có thể thấy vấn đề khí hậu vẫn có thể đóng vai trò ý nghĩa trong việc xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy hợp tác” - ông Li nói thêm.

Các nhà bảo vệ môi trường tại Mỹ và các nước khác bày tỏ sự nghi ngờ về mục tiêu carbon trung tính của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới - một nguồn ô nhiễm chính - trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Shi Yinhong, ngay cả khi Bắc Kinh và Washington quyết định hợp tác thực chất về vấn đề biến đổi khí hậu, điều này cũng khó có thể làm thay đổi mối quan hệ vốn đang tuột dốc giữa hai bên.

“Tôi e rằng [hợp tác khí hậu] không đáng kể và sẽ không đóng vai trò quyết định trong việc đảo ngược quan hệ song phương. Vì sự hợp tác như vậy chắc chắn sẽ gắn liền với việc hai nước tăng cường tranh giành uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế, cũng như cuộc chiến giành quyền lực và vị thế của họ trong quản trị toàn cầu” - ông Shi nhận định.

Theo thông báo của Nhà Trắng hôm 26-3, chính quyền Tổng thống Biden đã gửi thư mời đến khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới về việc tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, trong đó có những người đồng cấp Trung Quốc và Nga.

Nếu ông Tập tham dự sự kiện này, đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ gặp mặt.

Thời gian qua, tuy quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, Washington và Bắc Kinh dường như vẫn chưa từ bỏ khả năng hợp tác trong các vấn đề khí hậu, ngay cả vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.

Liệu G7 có cải tổ được WTO để đối phó Trung Quốc?
Liệu G7 có cải tổ được WTO để đối phó Trung Quốc?
(PLO)- Ngày 31-3, bộ trưởng thương mại các nước G7 (Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada) cùng ra tuyên bố chung cam kết sẽ có hành động tập thể để xử lý các hành vi “trợ cấp công nghiệp có hại” cũng như lũng đoạn thị trường, theo trang tin Politico.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm