Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6-4 cho biết chính quyền Mỹ phải thể hiện cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
“Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, họ nên ngừng vung dùi cui trừng phạt” – hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Triệu nhấn mạnh tại một cuộc họp báo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: TASS
Theo ông Triệu, các đại diện của Nhà Trắng nên ngừng đe dọa Moscow và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine. “Mỹ đang hưởng lợi từ tình trạng hỗn loạn. Các biện pháp trừng phạt sẽ không mang lại hòa bình và an ninh” - ông Triệu nêu rõ.
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra khi Mỹ dự định công bố trong ngày 6-4 (giờ địa phương) thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan các cáo buộc Moscow phạm “tội ác chiến tranh” ở Ukraine.
“Điều này sẽ bao gồm lệnh cấm đối với tất cả các khoản đầu tư mới vào Nga, gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước ở Nga cũng như những biện pháp trừng phạt đối với quan chức chính phủ Nga và các thành viên gia đình họ” - TASS dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm 5-4.
Washington hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ “gây tổn hại kinh tế cấp tính và tức thì đối với Nga”.
Theo bà Psaki, Mỹ đang cố gắng đặt Nga vào tình thế phải lựa chọn giữa việc vỡ nợ hoặc rút hết dự trữ ngoại tệ còn lại của mình.
Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã chốt xong nội dung gói trừng phạt mới nhất đối với Nga và ngày 5-4 Ủy ban châu Âu đã công bố đề xuất dự thảo gói trừng phạt mới này, theo đài RT.
Gói trừng phạt mới nhất của EU vừa được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố sẽ đánh vào xuất khẩu than của Nga; chặn giao dịch với bốn ngân hàng Nga - trong đó có VTB là ngân hàng lớn thứ hai ở Nga; không cho tàu của Moscow cập cảng châu Âu ngoại trừ đến giao thực phẩm và năng lượng; đánh vào xuất khẩu các mặt hàng như gỗ, xi măng, hải sản và rượu mạnh của Nga.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất cấm xuất khẩu sang Nga các sản phẩm bán dẫn, máy móc và thiết bị vận tải, theo hãng tin RIA Novosti.
Các biện pháp trên vẫn phải được 27 quốc gia thành viên của khối thông qua.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và toàn diện đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt do Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine vào ngày 24-2.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng các lực lượng vũ trang của nước này chỉ nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine bằng vũ khí có độ chính xác cao, và rằng dân thường không gặp nguy hiểm.
Trong khuôn khổ lệnh trừng phạt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào đầu tháng 3, trong khi Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu và các sản phẩm than của Nga vào cuối năm 2022.
Đến lượt mình, Ủy ban châu Âu đưa ra kế hoạch giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trước Giáng sinh và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga, chẳng hạn như than và dầu, vào năm 2030, theo hãng tin Sputnik.