Xây đập Xayaburi lúc này là vô trách nhiệm

Tuyên bố chung của cuộc họp giữa Ủy hội sông Mekong (MRC) với Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam tại Vientiane (Lào) ngày 19-4 đã kết luận như trên. Ngày 20-4, bà Ame Trandem (Tổ chức Sông ngòi quốc tế) đã trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này:

. Lào không đồng ý với các nước láng giềng về dự án xây đập thủy điện Xayaburi trên hạ nguồn sông Mekong ở tỉnh Sainyabuli trong khi người dân lo ngại hệ sinh thái và cuộc sống hằng ngày có thể bị đe dọa. Bà suy nghĩ thế nào về quan điểm của Lào?

Xây đập Xayaburi lúc này là vô trách nhiệm ảnh 1
+ Bà Ame Trandem: Đập Xayaburi có tác động xuyên biên giới trong khi vẫn còn nhiều lỗ hổng kiến thức nghiên cứu về lưu vực sông Mekong, vì vậy tiến hành xây dựng đập Xayaburi trong thời điểm này là thiếu thận trọng và vô trách nhiệm. Như đã ký kết trong Hiệp định Mekong năm 1995, Lào nên duy trì cam kết của mình trong hợp tác và đàm phán với các nước láng giềng bằng cách tôn trọng kết quả cuộc họp ngày 19-4 và ngay lập tức dừng công trình xây dựng đập.

. Trong tối thiểu 10 năm, ngoài đập Xayaburi sẽ có thêm 10 dự án xây đập ở hạ nguồn sông Mekong. Trong bối cảnh dự án đập Xayaburi đang đối mặt với nhiều dư luận trái chiều, liệu các kế hoạch xây đập sắp tới có khả thi chăng?

+ Những gì đang tiến triển trong dự án xây dựng đập Xayaburi sẽ tạo ra tiền lệ đối với việc phát triển trên sông Mekong trong tương lai. Nếu đập Xayaburi được xây dựng thì kế hoạch xây dựng 10 đập tiếp theo cũng sẽ được tiến hành. 11 con đập này sẽ có tác động tàn phá đến hàng triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào con sông cũng như ảnh hưởng đến nguồn lương thực.

Xây đập Xayaburi lúc này là vô trách nhiệm ảnh 2

Vị trí Lào lập dự án xây đập thủy điện Xayaburi. Ảnh: International Rivers

Đánh giá môi trường chiến lược của MRC cho thấy rằng việc nghiên cứu tìm hiểu về lưu vực sông Mekong vẫn chưa đủ để đi đến bất kỳ quyết định nào trong lúc này. Do tác động to lớn của đập Xayaburi và khả năng những con đập được xây dựng trong tương lai sẽ gây ra căng thẳng quốc tế trong khu vực, đánh giá môi trường chiến lược của MRC đã đề nghị trì hoãn các quyết định có liên quan tới sông Mekong ít nhất trong vòng 10 năm tới.

. Như vậy theo bà, có thực sự cần thiết khi xây 11 con đập trên sông Mekong để phục vụ cho lợi ích một quốc gia khi tác hại hủy hoại môi trường có thể không kể xiết?

+ Sông Mekong là huyết mạch của Đông Nam Á bởi con sông nuôi sống và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng nước và thực phẩm, chính phủ các nước trong khu vực cần chung tay để bảo vệ và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có trên sông Mekong thay vì hủy hoại nó.

. Xin cảm ơn bà.

Trang web People and Planet (Anh) ngày 19-4: Các nhà môi trường học đã có thể tạm thở phào nhẹ nhõm với kết quả cuộc họp của Ủy hội sông Mekong, tạm hoãn quyết định về dự án xây đập Xayaburi.

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 20-4: Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên và 263 tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ đã hưởng ứng Việt Nam cùng kêu gọi Lào trì hoãn quyết định xây đập trong 10 năm để đánh giá toàn diện ảnh hưởng đến môi trường.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 20-4: Dù Thái Lan, Campuchia, Việt Nam đã có tín hiệu vui bước đầu rằng Lào đồng ý sẽ cân nhắc lại dự án xây đập Xayaburi nhưng có vẻ như Lào vẫn sẽ tiếp tục dự án.

ĐĂNG KHOA

Trong cuộc họp ngày 19-4, thật đúng đắn khi Việt Nam đã tôn trọng đề nghị này (hoãn các quyết định liên quan tới sông Mekong trong tối thiểu 10 năm) và thậm chí đã đề nghị hủy tất cả dự án... Có nhiều cách khác tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu khai thác năng lượng thay vì thông qua xây dựng những con đập tàn phá môi trường như đập Xayaburi.

Bà AME TRANDEM (Tổ chức Sông ngòi quốc tế)

ĐÌNH PHONG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm