Quy định ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép: Nhân văn, tiến bộ nhưng cần phải hài hòa

(PLO)- Cân bằng và hài hòa lợi ích giữa quyền riêng tư và lợi ích cộng đồng là cần thiết để đảm bảo quy phạm pháp luật khi đi vào thực tiễn nhận được sự đồng thuận cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo lần thứ năm Luật Tổ chức TAND sửa đổi vừa được thảo luận tại Quốc hội. Khoản 4 Điều 141 dự thảo quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Việc bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp đình, hoạt động tố tụng được diễn ra hiệu quả, thông suốt là điều quan trọng. Cùng với đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, lời nói là quyền được pháp luật bảo vệ. Song việc đảm bảo tiếp cận thông tin để xã hội giám sát và phản biện cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Ông ONG VĂN SỆT, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng, người từng bị kết án oan:

Chụp ảnh và sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý

ong van set.jpeg

Cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh, TP.HCM đã về quê tôi để xin lỗi vì kết tội oan tôi cùng hai người nữa. Hình ảnh của buổi xin lỗi công khai đã được các báo thông tin. Người thân, bạn bè, bà con chòm xóm đều đã biết chúng tôi bị oan.

Những hình ảnh chúng tôi bị còng tay dẫn giải từ trại tạm giam đến phiên tòa cũng đã được đăng báo nhiều. Khi đó, bất kỳ ai, cả luật sư, nhà báo, người tham dự phiên tòa có đề nghị được ghi âm, ghi hình tôi thì tôi đều đồng ý. Bởi lẽ tôi rất mong câu chuyện vụ án cùng lời nói, hình ảnh của mình tại phiên tòa được công khai, đặng người đời và những cấp cao hơn thấy được sự khuất tất của việc điều tra, truy tố, xét xử chúng tôi.

Tôi thấy quy định về việc chụp ảnh và sử dụng hình ảnh tại phiên tòa phải được sự đồng ý là rất đúng. Tôi bị oan, tôi mong được nhiều người biết về trường hợp của mình thì tôi đồng ý cho ghi âm, ghi hình. Người khác không bị oan nhưng ngại người thân bị ảnh hưởng, ngại con cháu sau này nhìn thấy thì có quyền từ chối bị ghi âm, ghi hình.

Cân bằng và hài hòa lợi ích giữa những đối tượng chịu sự tác động khác nhau trong một văn bản quy phạm pháp luật là điều khó bởi bên nào cũng muốn có được những phần lợi thế.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến góp ý để đảm bảo quy phạm pháp luật khi đi vào thực tiễn nhận được sự đồng thuận cao, đồng thời tạm khép lại loạt bài góp ý cho quy định này.

Ông NGUYỄN MINH CẢNH, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM:

nguyen minh canh.jpeg

Tiệm cận với pháp luật các nước và thông lệ quốc tế

Cùng với sự phát triển của truyền thông, quyền hình ảnh của cá nhân ngày càng được đề cao và coi trọng. Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của cá nhân.

Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý. Nếu bị tùy tiện sử dụng hình ảnh cá nhân thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Tại nhiều nước trên thế giới, việc ghi hình dưới mọi hình thức đều bị cấm nếu chưa được cho phép. Ngay cả việc phát trực tuyến phiên xử cũng phải có chỉ định theo tính chất vụ án.

Quy định tại Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi cho thấy các quy định về hoạt động tư pháp của nước ta đang theo hướng tiếp cận với pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Ở một góc độ rộng hơn thì quy định của dự thảo về việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người tham gia tố tụng và chủ tọa phiên tòa, phiên họp còn mang ý nghĩa quan trọng hơn: Đó là đảm bảo quyền con người.

toa quan 11.jpeg
Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa. Ảnh minh họa: Một phiên tòa hình sự tại TAND quận 11, TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM:

hoang kim minh chau.jpeg

Quá khứ lầm lỡ cần được lãng quên

Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, công dân được quyền tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước, trừ các trường hợp thông tin liên quan đến quốc phòng - an ninh hoặc thông tin liên quan đến bí mật đời tư thì phải được sự đồng ý của người đó.

Điều 32 BLDS quy định sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng/hoặc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Có nhiều vụ án hình sự mà bị can, bị cáo là những kẻ giết người man rợ, những tham quan ăn của dân không từ thứ gì, những kẻ ấu dâm, mua dâm người chưa thành niên... Việc phản ánh những thông tin về việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này được công chúng chờ đón. Một bài báo dù thông tin hấp dẫn mà thiếu hình ảnh đi kèm thì cũng giảm đi sự hấp dẫn của nội dung thông tin.

Nói đi cũng phải nói lại, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, quá khứ lầm lỡ, đen tối cần được lãng quên. Do vậy, những người đã chấp hành xong bản án, đã tái hòa nhập cộng đồng có quyền yêu cầu các cơ quan báo chí hoặc chủ tài khoản mạng xã hội gỡ bỏ hình ảnh, viết tắt danh tính, thông tin cá nhân của mình trong các phiên tòa hình sự trước đây.

PV Ý LINH, báo Người Lao Động:

phong vien Y Linh.jpeg

Cần hướng dẫn cụ thể

Nếu yêu cầu tuyệt đối phải xin phép các bên liên quan mà không nêu các trường hợp, điều kiện cụ thể thì chưa đạt được nguyên tắc xét xử công khai nhằm bảo đảm sự giám sát của công luận, bảo đảm chức năng giáo dục của xét xử và tăng cường trách nhiệm của cơ quan xét xử trước pháp luật.

Ở góc độ báo chí, nếu nhà báo tác nghiệp mà không được ghi âm, ghi hình thì công chúng cũng bị hạn chế cơ hội biết công lý được thực thi thế nào ở chốn pháp đình.

Còn nói cấm ghi âm, ghi hình là để bảo vệ người tham gia tố tụng trong phiên tòa cũng chưa hẳn đúng trong một số trường hợp. Vì ở một số vụ án, bị cáo, đương sự cũng có nhu cầu được công khai câu chuyện của mình trước công luận.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét giới hạn của báo chí trong một số trường hợp cụ thể như trong một số phiên xử có yếu tố nhạy cảm như xét xử vị thành niên hay tội phạm liên quan an ninh quốc gia... nhằm bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích chung. Thực tế, tại các phiên xử này, việc ghi âm, ghi hình đã được giới hạn lâu nay.

Do đó, theo tôi cần có hướng dẫn cụ thể việc “xin phép và phải được sự đồng ý” khi ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, phiên họp.•

Quy định của các nước về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Đối với các vụ án hình sự, Điều 53 Luật Tố tụng hình sự liên bang Mỹ quy định cấm chụp ảnh và phát sóng quá trình xét xử trong phòng xử án.

Đối với các vụ án dân sự, từ năm 1990, Hội đồng Tư pháp (cơ quan hoạch định chính sách cho các tòa án liên bang Mỹ) thông qua đề xuất trao cho thẩm phán quyền cấp phép việc phát sóng, ghi âm hoặc chụp ảnh trong phòng xử án. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến năm 2016, các thẩm phán trong các vụ án dân sự ở Mỹ có quyền cấp phép chụp ảnh và phát sóng hình ảnh nếu đảm bảo: Việc này phù hợp với quyền của các bên, không làm xao lãng những người tham gia thủ tục tố tụng và không can thiệp vào việc thực thi công lý.

Chẳng hạn, trong vụ xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan cáo buộc dùng tiền bịt miệng hồi tháng 3, thẩm phán Tòa án Tối cao New York - ông Juan Mercan đã từ chối để truyền thông ghi hình phiên tòa, chỉ cho phép chụp ảnh ông Trump và phòng xử án trước khi phiên tòa bắt đầu.

Tại New Zealand, theo nguyên tắc đưa tin tại tòa án do Bộ Tư pháp New Zealand ban hành năm 2016, bất cứ cá nhân hay cơ quan truyền thông nào muốn quay phim, chụp ảnh, ghi lại hoạt động và thủ tục tố tụng tại tòa phải nộp đơn đăng ký tại tòa án đó và chờ thẩm phán cấp phép. Thẩm phán có thể rút lại quyết định cấp phép bất cứ lúc nào nếu tin rằng việc chụp ảnh và phát sóng ảnh hưởng đến bị cáo và những người tham gia phiên tòa. Ngoài ra, liên quan đến tội phạm tình dục, việc chụp ảnh và phát sóng phải xin ý kiến của người khởi kiện.

THẢO VY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm