Lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc (sau đây gọi tắt là QRTD) được quy định cụ thể tại BLLĐ 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Tiếp đến, Nghị định 145/2020 có hiệu lực ngày 1-2-2021 hướng dẫn cho BLLĐ 2019 có nêu cụ thể thế nào là QRTD nơi làm việc, quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc… Đây là tin vui cho người lao động.
Âm thầm nghỉ việc vì bị quấy rối
Nghỉ việc được hơn một năm, chị LTH (29 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vẫn ám ảnh khi nhớ lại những lời nói của một nam đồng nghiệp tên M.: “Lúc đầu M. chỉ khen tôi mặc váy xinh, son môi đẹp. Lâu dần M. nói những câu rất gợi tình như “da đẹp thế, mướt mát nhỉ”, “…nhìn căng đét”, rồi có những lần hắn cố ý va vào tôi trong thang máy hay những khi làm việc chung”. Chưa dừng lại ở đó, có lần người đồng nghiệp còn gửi ảnh bán khỏa thân của một phụ nữ lạ qua chat cho chị H. kèm lời nhắn: “Nhìn em ngon hơn cô này!”.
Trong những lần như thế, chị H. đều tỏ rõ thái độ phản đối trước lời nói và hành động của M. Tuy nhiên, M. lại biện hộ bằng câu “Đùa cho vui, gì căng thế!”.
Theo chị H., nhiều đồng nghiệp khác cũng chỉ nghĩ đó là trò đùa và còn hay buông câu “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Tuy nhiên, đối với chị H., đó là cảm giác cơ thể bị soi mói và xâm phạm.
“Tôi không thể giãi bày với đồng nghiệp, cũng không thể khiếu nại lên cấp trên về M. vì ai cũng nghĩ đó là đùa chơi. Tôi quyết định xin nghỉ việc để tự bảo vệ bản thân. Nạn nhân như tôi lại chịu thiệt. Tôi nghĩ nếu mọi người cho lời nói của M. là trêu đùa thì còn rất nhiều người đã bị xâm hại mà bản thân họ không biết” - chị H. bức xúc nói.
Luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM, đang tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: TP
Lời nói ngụ ý tình dục cũng là quấy rối
Bàn về QRTD trong BLLĐ 2019, luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định bộ luật mới đã khắc phục được những điểm bất cập còn tồn tại trong các quy định về hành vi QRTD so với BLLĐ 2012.
Trước nhất, khoản 9 Điều 3 BLLĐ 2019 đã nêu lên định nghĩa pháp lý về hành vi QRTD. Tiếp đó, Nghị định 145/2020 cũng đã có hướng dẫn rõ về những hành vi vi phạm được xem là QRTD.
Nghị định 145/2020 nêu rõ QRTD là hành vi có mục đích đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc người lao động quan hệ tình dục để đổi lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc.
Mặt khác, những hành vi không hướng đến việc quan hệ tình dục nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người lao động đều được xem là QRTD.
Theo đó, QRTD có thể là hành động, cử chỉ hoặc hành vi phi hành động như lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục.
“Những lời nói tưởng đùa như “nhìn em ngon quá!” kèm với những kiểu trêu ghẹo về cơ thể, cách ăn mặc có ngụ ý tình dục làm người lao động có cảm giác bất an, khó chịu được xem là QRTD” - luật gia Triều nhấn mạnh.
Theo BLLĐ 2019, người lao động quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Tuy đã có điều luật hướng dẫn rõ ràng nhưng theo luật gia Triều thì để áp dụng quy định xử lý đối với người có hành vi QRTD vẫn còn nhiều điều khó trong bước đầu thực hiện.
Theo Điều 85 Nghị định 145/2020, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống QRTD. Người sử dụng lao động phải xây dựng trong nội quy lao động các quy định về phòng, chống QRTD. Người sử dụng lao động căn cứ vào đặc điểm, tình hình của đơn vị mình mà có những quy định cụ thể từng hành vi tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Do đó, trước nhất chủ các doanh nghiệp, chủ cơ sở làm việc phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống QRTD. Trên cơ sở đó, khi có vụ việc quấy rối xảy ra thì mới có cơ sở để xem xét, xử lý.
Một khó khăn nữa trong xử lý vấn đề này là có nhiều người lao động, nhất là lao động nữ bị quấy rối lựa chọn im lặng hoặc nghỉ việc vì sợ xấu hổ, bị trả thù, bị hiểu nhầm, điều tiếng… Điều này làm cho hành vi QRTD tồn tại lâu dài, âm ỉ nhưng khó giải quyết triệt để.•
Những con số biết nói
Theo kết quả khảo sát về tình trạng QRTD tại các nhà máy may ở TP.HCM và TP Hải Phòng do Tổ chức ActionAid và Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2014 cho thấy có 82,8% nữ công nhân từng bị huýt sáo trêu ghẹo. 59,5% bị nhìn chằm chằm vào cơ thể; 45,8% phải nghe những lời bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục hoặc các bộ phận trên cơ thể.
Với tình trạng QRTD đó, chỉ có 57,6% số người khảo sát cho rằng nạn nhân và những người chứng kiến nên lên tiếng về vụ việc. Đến 42,4% còn lại chọn cách giữ im lặng. Lý do họ đưa ra là tâm lý mặc cảm, xấu hổ và lo sợ bị mất danh dự cá nhân hoặc sợ bị chính người QRTD trả thù mình.