Rác, hàng rong làm xấu phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thời gian gần đây nhiều người dân phản ánh đến báoPháp Luật TP.HCM về trật tự, vệ sinh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ đang xuống dốc nghiêm trọng. Không biết từ bao giờ con phố hiện đại, sạch đẹp bậc nhất này trở thành nơi hỗn độn bởi rác thải, số hàng rong đông quá mức hoàn toàn tự phát và không được tổ chức.

Ngày càng nhếch nhác, bát nháo

Chị Đinh Hương (quận 9) phàn nàn: “Nghe nói Phố đi bộ Nguyễn Huệ rất đẹp và lịch sự nhưng thật thất vọng. Hàng rong tràn lan, người đứng kẻ ngồi không có trật tự. Người tới chơi cũng bày ra ăn uống rồi xả rác… hàng đống. Con đường đẹp đẽ giờ không khác gì cái chợ”.

“Mọi người đến đây để dạo mát, nếu có nhu cầu ăn uống thì nên vào cửa hàng hai bên đường. Bán như thế này vừa lộn xộn, mất vệ sinh. Tình trạng lôi kéo khách hàng, chạy trốn lực lượng trật tự cũng gây phiền, nguy hiểm cho người khác” - bà Trương Thị Huyền (Nhà Bè) phản ánh.

Trong khi đó, chị Hoàng Ngọc Châu (quận 3) bức xúc: “Rác xả khắp nơi, các thùng rác đều đầy tràn và bốc mùi, buôn bán tấp nập… không hiểu ban quản lý (BQL) làm việc thế nào. Tôi đã đưa bạn nước ngoài dạo phố mà phát ngại luôn”.

Theo ghi nhận của PV, thời điểm trước và sau Noel, tình trạng buôn bán ở phố đi bộ càng rầm rộ hơn. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những người bán hàng rong xuất hiện trên phố. Ban đầu khoảng 20 người bán bóng bay, kẹo bông, đồ chơi… chỉ ít phút sau hàng chục “quán ăn di động” từ đâu túa ra, mỗi người chiếm một góc dọc theo con đường với đủ món ăn vặt từ bánh tráng nướng, nước ngọt, kem, bắp xào đến trứng cút, trái cây, thậm chí có cả bia.

Người bán đựng đồ ăn trong những chiếc giỏ, thùng xốp có xe đẩy, có người còn quẩy gánh đi rao trên phố. Thỉnh thoảng có nhân viên trật tự thổi còi họ lại vội vã tém dọn bếp than, xe pháo… xong xuôi lại bày ra bán, rất hỗn loạn.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ bị lực lượng bán hàng rong “chiếm lĩnh”. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ban quản lý không có chức năng xử phạt

Đại diện BQL phố đi bộ Nguyễn Huệ cho biết khu vực này có tình trạng buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, BQL không có chức năng xử lý vấn đề này.

Theo đó, tại quyết định của UBND TP.HCM, một số trách nhiệm của BQL được quy định là tổ chức điều phối các hoạt động diễn ra trong khu vực; phối hợp với cơ quan chức năng tuần tra, nhắc nhở việc giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình… Như vậy, BQL chỉ được phối hợp với lực lượng công an, thanh niên xung phong, phường Bến Nghé và quận 1 để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thời gian qua, từ ngày 1-8 đến 30-11, từ công tác phối hợp trên, các đơn vị đã xử lý 16 xe đẩy, 14 xe máy bán hàng rong, 17 nhóm nhạc tự phát, 23 nhóm bán hàng gây quỹ quảng cáo, một số vật dụng liên quan… “Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng (chỉ có bốn người) nên việc nhắc nhở, kiểm tra còn hạn chế. Đầu tháng 11, quận đồng ý cho thuê thêm lực lượng bảo vệ nên hiện tại mỗi ca có sáu người trực chốt cho tuyến đường 940 m với hàng ngàn người tập trung vui chơi vẫn bị quá tải” - trưởng ban BQL cho biết.

Hàng rong tràn ngập phố đi bộ

Về vệ sinh môi trường, quận đã giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 thực hiện nhưng vào những ngày lễ Tết, người dân đi chơi nhiều nên rác thải vẫn quá tải.

Người đại diện tâm tư: “BQL có nhiệm vụ quản lý nhưng không có chức năng xử lý vi phạm nên rất khó chấn chỉnh hàng rong và những vi phạm khác. Chúng tôi thường xuyên đề nghị UBND quận 1 chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ BQL. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, mong rằng người dân và du khách cũng nâng cao ý thức, cùng giữ gìn trật tự, vệ sinh chung cho khu vực”.

Trước thực trạng trên, đại diện UBND phường Bến Nghé đưa ra một số đề xuất giải pháp về lâu dài như phân biệt rõ phạm vi đi bộ với lưu thông, nâng cao độ giữa hai khu vực này hoặc đặt thêm chậu hoa, móc xích để ngừa xe máy, xe hàng rong không đẩy lên được; nghiên cứu xây dựng điểm bán hàng cho người dân, tránh tình trạng vào phố đi bộ bán.

Trả lời câu hỏi có hay không chuyện “bảo kê” cho người bán hàng rong ở đây, vị đại diện cho biết lực lượng chức năng của phường gồm nhiều đơn vị như công an, trật tự đô thị và bảo vệ dân phố luôn phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ. Song song đó, lãnh đạo UBND phường, ban chỉ huy công an phường và ban công tác mặt trận các khu phố thường xuyên giám sát, do đó không có việc bảo kê cho những người bán hàng rong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới