Rắc rối vụ tranh chấp cho thuê mặt bằng miếu Bà

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa nguyên đơn là ban quản trị (BQT) miếu Bà Kim Ngọc Thành và bị đơn là bà PTLD.

Theo đơn khởi kiện của BQT miếu, năm 2002, BQT miếu ký hợp đồng cho thuê mặt bằng miếu Bà tại địa chỉ 88 Lê Thị Riêng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) với bà D. Mục đích thuê là để ở và kinh doanh, thời hạn đến ngày 21-12-2009, giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4-2008, hai bên ký thỏa thuận cho bà D. thuê tiếp đến ngày 31-12-2016, vẫn với giá thuê cũ.

Tháng 3-2016, miếu Bà Kim Ngọc Thành được UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng đất tín ngưỡng.

Theo BQT miếu, do bà D. vi phạm thỏa thuận thuê mặt bằng, sử dụng không đúng mục đích (cho người khác thuê lại) nên ngày 31-3-2016, BQT miếu thông báo cho bà D. về việc chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng trước thời hạn. Tranh chấp được UBND phường Bến Thành, quận 1 hòa giải nhưng không thành. Vì vậy, BQT miếu khởi kiện bà D. tại TAND quận 1, yêu cầu bà phải trả lại mặt bằng, trả tiền thuê mặt bằng chưa thanh toán từ tháng 8-2015 đến ngày xử sơ thẩm.

Mặt bằng miếu Bà Kim Ngọc Thành tại 88 Lê Thị Riêng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đang có tranh chấp. Ảnh: CHÂU YẾN

Phía bị đơn là bà D. xác nhận có ký hợp đồng thuê mặt bằng với BQT miếu năm 2002. Trong quá trình sử dụng mặt bằng, được sự kêu gọi của BQT miếu, bà đã đầu tư kinh phí để sửa chữa, tôn tạo, trùng tu miếu khang trang, sạch đẹp. Do đó, tháng 4-2008, BQT miếu họp và thống nhất tiếp tục để bà sử dụng mặt bằng để kinh doanh và thu hồi vốn đã bỏ ra. Tổng số tiền bà đã đầu tư để trùng tu mặt bằng kinh doanh hết 125 lượng vàng (khoảng 4,7 tỉ đồng). Do việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn nên việc thu hồi vốn vẫn chưa đạt được, bà phải kinh doanh mặt bằng thuê thêm năm năm nữa, đến hết năm 2023 mới thu đủ tiền đã bỏ ra sửa chữa và đầu tư. Vì vậy, bà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BQT miếu.

Tháng 8-2018, TAND quận 1 xử sơ thẩm vụ kiện. Tòa cho rằng hợp đồng thuê mặt bằng miếu Bà giữa hai bên tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự về thuê tài sản (theo các Điều 480, 489 và 491 của BLDS năm 2005) nhưng thực chất đây là việc cho thuê quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Điều 181 Luật Đất đai 2003 quy định “Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Như vậy, yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại mặt bằng là có cơ sở chấp nhận.

Từ đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà D. trả lại mặt bằng cho BQT miếu. Đồng thời, tòa đình chỉ đối với yêu cầu trả tiền thuê còn thiếu (do quá trình xét xử, BQT miếu rút yêu cầu này).

Sau đó, bà D. kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm. Bà cho rằng cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu người tham gia tố tụng, không triệu tập công ty mà bà có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (về việc cùng sử dụng mặt bằng nói trên) để kinh doanh từ ngày 16-11-2016 đến 16-11-2021.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, không triệu tập công ty đối tác của bà D. tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Vì vậy, VKS đề nghị hủy án sơ thẩm. Đồng tình, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm