'Rất tủi thân vì ngắc ngoải nhưng không được hỗ trợ'

“Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả các ngành trong đó có ngành quảng cáo. Trong đó ảnh hưởng nặng nhất là với các doanh nghiệp (DN) quảng cáo billboar ngoài trời, màn hình điện tử ngoài trời”.

Đây nhận định của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam bên lề Triển lãm Quốc tế Thiết bị và Công nghệ Quảng cáo Việt Nam lần 11 (VietAd 2020 TP.HCM) ngày 20-10.

Theo ông Sơn, đối với DN kinh doanh quảng cáo ở lĩnh vực công nghệ số, trên ứng dụng công nghệ thông tin nhờ có giá thành thấp, điều kiện tiếp cận với khách hàng thuận lợi nên vẫn tồn tại được song không mạnh so với trước đây. DN kinh doanh quảng cáo trên truyền hình doanh thu cũng bị giảm.

Hiện trên 50% DN quảng cáo giảm doanh thu. Trong bối cảnh này, các DN bươn bải bằng nhiều cách như giảm giá các sản phẩm quảng cáo nhưng nhìn chung đều rất khó khăn.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội quảng cáo Việt Nam tại khu vực triển lãm VietAd TP.HCM 2020

Mới đây hiệp hội phối hợp tập đoàn Bizman, một tập đoàn lớn về bảng biểu ngoài trời, có hệ thống màn hình điện tử phủ khắp cả nước, đặc biệt trong sân bay tổ chức hội thảo.

Tại đây, hiệp hội đề nghị xây dựng chương trình giảm giá 200-300 tỷ đồng cho các DN. Ví dụ các clip quảng cáo trên màn hình điện tử giá A, đơn vị này sẽ giảm 50%, hoặc 70%, số tiền giảm tương đương 200-300 tỷ đồng để hỗ trợ DN cùng tồn tại. 

Theo ông Sơn, hiện có 85% công ty trong ngành quảng cáo tạm thời sống ngắc ngoải, 15% DN đã đóng cửa khó rất quay lại thị trường. Dự báo doanh thu quảng cáo năm 2020 giảm 50% so với năm ngoái.

Trước khó khăn của ngành quảng cáo do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiệp hội đã có văn bản gửi Chính phủ, UBND các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt kiến nghị về giảm, miễn phí giá thuê đất của nhà nước mà DN thuê để dựng biển quảng cáo ngoài trời. Các sở ngành tạo điều kiện cho DN có điều kiện kinh doanh tốt hơn, đặc biệt giảm các lệ phí.

Khách tham quan tại triển lãm VietAd TP.HCM 2020 

Theo ông Sơn, có khoảng 15% DN trong ngành có nhu cầu vay ưu đãi để trả lương cho người lao động nhưng không được. Thời gian qua, có DN với khoảng 40-50 công nhân, ban đầu giảm 50% lương nhưng càng ngày cắt giảm chỉ giữ lại năm đến mười người.

“Cũng thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng trong các ngành nghề được chính phủ hỗ trợ vay ưu đãi không có ngành quảng cáo. Trong khi phần lớn DN quảng cáo Việt Nam là vừa và nhỏ, rất khó khăn. Nếu DN đi theo "cửa" DN vừa và nhỏ đi vay ưu đãi thì quá chật chội vì quá đông. Nếu đi theo cửa hiệp hội quảng cáo Việt Nam thì không được nên DN rất tủi thân”, ông Sơn kể.

Mặt khác, thời điểm này, Việt Nam cơ bản kiểm soát dịch COVID-19, DN hoạt động trở lại ngành quảng cáo bắt đầu có tín hiệu tốt nhưng yếu tố đầu tư từ nước ngoài vào vẫn còn rất khó, hay việc phát triển khách hàng mới rất khó khăn.

Đặc biệt, điều cốt lõi hiệp hội mong muốn là sớm sửa đổi Luật Quảng cáo vì hiện nay luật không theo kịp tốc độ phát triển của ngành, nhất là trong lĩnh vực báo hình, báo viết, ứng dụng công nghệ thông tin quảng cáo trên youtube, các app...

DN cũng mong muốn tại các thành phố lớn, TP.HCM và Hà Nội cần công bố công khai về quy hoạch quảng cáo.

"Khi công khai DN nào cũng có thể xin phép được chứ bây giờ không thân quen chưa chắc có được vị trí tốt. Có như vậy ngành quảng cáo Việt Nam mới có thể phát triển được", Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói.

Hiện cả nước có khoảng 6.000 DN kinh doanh quảng cáo. Chính phủ đề ra mục tiêu doanh thu quảng cáo năm 2020 sẽ đạt 1,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 3,2 tỷ USD.

Theo báo cáo về thị trường quảng cáo số Việt Nam của Công ty Adsota-cung cấp dịch vụ quảng cáo di động tại Việt Nam cho thấy trong năm 2019, các thương hiệu tại Việt Nam chi khoảng 284 triệu USD cho quảng cáo trực tuyến và chỉ chiếm 20,6% tổng chi tiêu cho quảng cáo.

Đây là con số tỷ lệ trung bình so với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm