Ngày 16-8, UBND huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) phối hợp tạp chí Nông Thôn Việt tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc.
Ông Đồng Quang Đôn, Phó ban chỉ đạo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An, cho biết huyện Cần Giuộc cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận 134.000 tấn rau/năm.
Thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện có 16 hợp tác xã (HTX) rau, trong đó sáu HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Theo ông Đôn, với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, rau Cần Giuộc có hương vị đặc biệt, nhất là các loại rau gia vị hay xà lách xoong được thị trường TP.HCM và các tỉnh rất ưa chuộng.
Rau Cần Giuộc còn gặp nhiều khó khăn khi tìm đầu ra, nguyên nhân quan trọng nhất là chưa xây dựng được thương hiệu. Hằng năm huyện đều làm việc với Sở Công Thương TP.HCM, các siêu thị để kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn khi một số siêu thị chỉ nhận hàng HTX Cần Giuộc thông qua thương hiệu một HTX khác của TP.HCM, hoặc có siêu thị chỉ mua sản phẩm thô rồi sơ chế, đóng gói mang tên của siêu thị.
Một phần lý do là các giấy chứng nhận sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm các HTX có là do tỉnh Long An cấp chứ không phải TP.HCM cấp.
Ông Phạm Văn Bốn (trái), Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giuộc, trao đổi với các HTX bên lề hội thảo.
Huyện đang cố gắng xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc để đưa vào các thị trường lớn và hướng đến xuất khẩu. Hiện vẫn còn lấn cấn ở chỗ rau Cần Giuộc có đến 34 chủng loại nên khi xây dựng thương hiệu, địa phương còn phân vân xây dựng thương hiệu HTX, thương hiệu rau của huyện Cần Giuộc hay từng mặt hàng rau.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An,chia sẻ thêm: Năm 2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An chọn rau là một trong những sản phẩm chủ lực (cây lúa, thanh long và con bò thịt) để thực hiện chương trình Đột phát về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển 2.000 ha rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và TP Tân An.
Đến nay đã có hơn 1.400 ha rau ứng dụng công nghệ cao, trong đó 100% diện tích rau sử dụng phân bón hữu cơ, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng... giúp tăng năng suất 5%-20%; lợi nhuận tăng 2-5 triệu đồng/1.000 m2 so với cách trồng truyền thống.
Giai đoạn 2021-2025 Sở dự kiến đề xuất Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện đề àn này gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi vào thực chất gắn với xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu, rau trồng ra đạt chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, có tem nhãn, thực hiện sơ chế tại nguồn gắn với truy xuất nguồn gốc...
Với mong muốn hỗ trợ huyện Cần Giuộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, tại hội thảo, Minh Hưng Group đã trao tặng 100 nhà lưới Lực Sĩ Nhà Nông cho 98 hộ sản xuất rau và hai trường học trên địa bàn huyện với tổng trị giá 4,5 tỉ đồng, giúp huyện Cần Giuộc tăng thêm 7,5 ha diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.