Hàng loạt doanh nghiệp (DN), cửa hàng gas trên địa bàn TP.HCM vừa có văn bản cầu cứu lên Bộ Công Thương. Họ đề nghị tạm dừng một số quy định mới trong Nghị định 87/2018 về kinh doanh gas.
Không thể làm được
Nhiều DN cho biết Nghị định 87/2018 có hiệu lực từ ngày 1-8-2018 quy định rõ: Các thương nhân kinh doanh mua bán khí, các trạm sang chiết gas chai và các cửa hàng bán gas chai phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai. Tuy nhiên, khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
“Việc nhìn bằng mắt số sêri và hạn kiểm định đã gây nhầm lẫn do số sêri bị mờ, không rõ ràng rất khó đọc do vỏ bình bị luân chuyển nhiều gây trầy xước và vỏ bình bị sơn nhiều lần” - Công ty Gas Tân Tiến (quận Bình Tân) nêu thực tế.
Trong khi đó, Công ty Gas Thanh Bình ở quận Bình Thạnh cho hay việc lập sổ ghi chép theo dõi vỏ bình gas gặp khó khăn đã khiến việc ghi chép số sêri và ngày kiểm định tại cửa hàng mất nhiều thời gian, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ quá lâu để giao nhận và đối chiếu số sêri, ngày kiểm định.
Hơn nữa, theo công ty này, tại kho xuất hàng cho xe đi giao hàng, công ty phải tăng cường thêm nhân công để phục vụ việc ghi số sêri bình. Điều này vừa tốn nhiều thời gian vừa tổn hại đến sức khỏe công nhân vì họ phải đứng lên cúi xuống nhiều lần để đọc, chép số sêri.
Đại diện Công ty Gas Thanh Bình nêu rõ: “Chúng tôi đã thử nghiệm gần 20 ngày nhưng anh em công nhân không thể tiếp tục phục vụ bằng phương pháp thủ công này được nữa”.
Nhiều công ty kinh doanh gas khác cũng cho biết tương tự. Họ cho hay hiện nay có khoảng 15.000 cửa hàng bán gas chai, chủ yếu là các hộ kinh doanh. Lâu nay các DN đều có sổ bán hàng ghi loại chai, trọng lượng mỗi chai, nhân sự gọn nhẹ, nhanh chóng. Nay vì quy định mới tốn thêm nhiều thời gian, chi phí, tăng người làm, giao gas chậm.
Từ thực tế trên, các DN, cửa hàng đã ký vào văn bản đề nghị Bộ Công Thương cho tạm dừng việc lập sổ theo dõi vỏ chai để tìm giải pháp khác cho phù hợp.
Một chủ cửa hàng gas quận Phú Nhuận, TP.HCM chỉ vào bình gas có số sêri rất mờ và cho biết việc ghi chép thông tin lúc được lúc không. Ảnh: TÚ UYÊN
Kiến nghị tạm dừng
Đồng tình với những phản ánh của DN, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng: Quy định DN phải mở sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin chủ sở hữu, loại chai, số lượng chai, sêri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận... sẽ khiến DN đầu tư chi phí rất lớn. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực của DN.
Do đó, Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương có lộ trình, thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các DN thực hiện.
Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định, cho biết: Bộ Công Thương đã tiếp nhận các kiến nghị của DN và cũng đã có văn bản trả lời. Theo đó, việc quy định DN lập sổ theo dõi bình gas với mục đích bảo vệ DN, kiểm soát được số lượng chai, bình mà DN đang sở hữu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. DN có thể biết rõ nguồn gốc chai, bình đó từ đâu, từ đó người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng nêu quan điểm rằng DN đưa ra lý do phải đọc sêri trên bình gas dẫn đến ách tắc giao thông là chưa thỏa đáng. Theo đó, cơ quan này lưu ý DN có thể áp dụng công nghệ vào việc kiểm soát thông tin trên chai, bình.
“Bộ Công Thương không bắt buộc DN phải sử dụng phương pháp ghi chép thủ công mà tiến tới sử dụng công nghệ thông tin, không tốn chi phí lớn cho DN” - vị này chốt lại.
Ngược lại, một chuyên gia kinh tế cho rằng quy định mà Bộ Công Thương đưa ra đã đi ngược với tinh thần Nhà nước cắt bỏ các điều kiện kinh doanh và tiết giảm chi phí cho DN. Nghị định 87 có thể đã cởi trói cho DN gas về quy mô, số lượng bình gas… nhưng lại cài cắm những quy định rất nhỏ ít ai để ý khiến DN phải bỏ ra khoản chi phí đầu tư lớn.
“Quan điểm làm chính sách của Bộ Công Thương đưa ra trong nghị định chủ yếu hướng đến hậu kiểm, tạo thuận lợi cho DN làm ăn, kinh doanh. Vậy lý do gì Bộ lại cài thêm quy định lập sổ theo dõi, gây tốn kém cho DN?” - vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Đề nghị gắn chip điện tử bình gas Anh NVH, chủ một cửa hàng gas tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết thông thường cửa hàng nhập hơn 100 bình gas các loại chỉ trong vài ngày. Nếu ghi lại thông tin của bình gas từ số sêri, hạn kiểm định, ngày nhập, địa chỉ thông tin khách hàng… mất thời gian rất nhiều, không thể làm được. “Ví dụ việc ghi ngày kiểm định, nếu bình gas nào có số sêri rõ ràng còn ghi được, những bình gas cũ số sêri nhìn không ra thì bó tay. Do đó có bình gas ghi được, bình không ghi được. Tuy nhiên, để tuân thủ theo quy định mới, cửa hàng tôi đành làm kiểu đối phó, phạt thì chịu chứ không ai làm nổi” - anh H. nói. Đại diện một cửa hàng gas khác tại quận Tân Bình cũng cho rằng việc truy xuất nguồn gốc vỏ bình gas là tốt, nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng nhưng không nên truy xuất nguồn gốc bình gas kiểu truy xuất nguồn gốc… con heo được. Lý do là vỏ bình thu hồi về không giống như vỏ bình xuất bán ra, tức số sêri không thể trùng khớp với nhau nên việc ghi chép theo dõi chính xác là không thể. Từ đó đại lý gas này đề nghị gắn chip điện tử cho từng bình sẽ dễ quản lý hơn. TÚ UYÊN |