Rối tuyển sinh do đổi mới không đồng bộ

Giá như cho các trường tự quyết…

“Kỳ thi THPT quốc gia là một tiến bộ về khâu tổ chức khi gộp hai kỳ thi thành một, tiện lợi và không phức tạp như mấy năm trước. Điểm tích cực này làm kỳ thi THPT trở lại quỹ đạo bình thường như kỳ thi tú tài ở các nước tiên tiến” - GS Nguyễn Đăng Hưng mở đầu câu chuyện. Theo ông, hướng đổi mới này lẽ ra nên làm sớm hơn.

Điểm tích cực thứ hai trong kỳ thi THPT quốc gia, theo GS Hưng, là cho phép thí sinh biết được điểm thi, trình độ của mình trước khi chọn lựa vào các trường ĐH theo đúng ngành nghề mình quan tâm. Tiếp đó, cho phép thí sinh ghi danh vào nhiều trường, nhiều ngành làm cho không khí học tập thoáng ra, sát với các nền giáo dục tiến bộ ngày nay.

Tuy nhiên, GS Hưng cho rằng chính việc đổi mới không đồng bộ, làm không triệt để, không đến nơi đến chốn khiến việc tuyển sinh trở nên rối. Bộ GD&ĐT đã không dự đoán trước các tình huống trong khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để dẫn đến rối loạn, âu lo cho thí sinh, cho xã hội và thực tế nó đã xảy ra.

Ông Hưng nhận xét sở dĩ có sự rối loạn trong khâu tuyển sinh là do Bộ GD&ĐT không giao quyền tự chủ trọn vẹn cho các trường ĐH; trong đó bao gồm quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức xét tuyển… “Lẽ ra vai trò của Bộ chỉ đưa ra các quy định khung như xác định điểm sàn, quy định về diện tích phòng học, chuẩn số lượng và chất lượng giảng viên… Bộ không nên can thiệp chi tiết, quá sâu vào việc tuyển sinh của các trường” - ông Hưng nói.

Ông Hưng cho rằng một khi hai hướng được tháo gỡ là tự do lựa chọn ngành, trường của thí sinh và tự chủ của các trường ĐH gặp nhau thì mới giải quyết được vấn đề tuyển sinh một cách tối ưu.

Những rối rắm gây bức xúc, mệt mỏi cho thí sinh và phụ huynh của đợt xét tuyển vừa qua mong rằng sẽ không lặp lại?  Trong ảnh: Cảnh thí sinh nộp, rút hồ sơ tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Ảnh: H.HÀ - V.AN - P.ĐIỀN

Kỳ tuyển sinh năm nay hầu như trường nào cũng rối vì không có quyền tự do xét tuyển theo quy mô, ngành nghề đào tạo theo khả năng của mình. Còn với thí sinh khi được tự do lựa chọn rồi nhưng không biết dùng quyền tự do như thế nào cho nên cảm thấy mới lạ, tâm trạng âu lo, cảm thấy phiền hà khi nộp, rút hồ sơ xét tuyển. “Sự cố đã xảy ra rồi, vấn đề là thời gian tới Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm và hóa giải như thế nào trong kỳ tuyển sinh năm tới hoặc tương lai. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT” - GS Hưng nói.

“Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chắc sẽ còn được nhắc đến nhiều vì có quá nhiều cảm xúc. Từ một mong muốn tốt đẹp và khởi đầu suôn sẻ nhưng cái kết lại không có hậu” - TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhận định.

Ông Minh chia sẻ: “Tôi thực sự buồn khi chứng kiến cảnh phụ huynh và thí sinh phải vất vả những ngày qua. Mặc dù biết rằng việc đó chỉ diễn ra ở một số trường nhất định và với những thí sinh nhất định. Nhưng con số đó vẫn quá lớn và mức độ căng thẳng của nó là không cần thiết. Trong những lúc hoang mang, nhiều phụ huynh và thí sinh đã làm bừa mà không còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để tính toán lựa chọn tương lai phù hợp nhất với các thí sinh”.

TS Minh cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản được tổ chức quy mô và nghiêm túc. Những nỗ lực về chuẩn bị và tổ chức thi đã cho một bức tranh đúng mực về bậc THPT. Giá như việc tuyển sinh còn lại là do các trường tự quyết dựa trên ngưỡng tối thiểu của Bộ GD&ĐT thì sẽ có hiệu quả tốt hơn chứ không căng thẳng đến như vậy. Ngoài ra sẽ tốt hơn nếu Bộ GD&ĐT có nhiều đợt thi THPT và nhiều đợt xét tuyển ĐH trong năm thì mức độ căng thẳng sẽ giảm xuống.

Trước những hoang mang, lo lắng của thí sinh, phụ huynh, xã hội và gánh nặng đè lên các trường ĐH trong khâu nhận hồ sơ xét tuyển, ông Minh thẳng thắn: Những vấn đề phát sinh của kỳ tuyển sinh năm nay có phần lớn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Để vấn đề này không lặp lại thì kỳ thi năm sau còn cần cải tổ theo hướng trao quyền chủ động hơn cho các trường. Cho phép các trường chủ động tuyển sinh và nhập học nhiều đợt tùy thuộc theo quy mô đã đăng ký để có được những sinh viên phù hợp nhất. Sinh viên cũng có thể chuyển đổi trường ngay cả khi đang học để không phải bằng mọi giá vào được một trường không theo sở thích.

Không nên cho nộp vào, rút ra tràn lan


 
Theo tôi, chỉ nên cho thí sinh nộp một lần chứ không nên cho nộp vào, rút ra tràn lan như vậy. Sau 20 ngày, nếu không trúng tuyển thì trả hồ sơ cho thí sinh đi nộp ở trường khác. Cho dù mục đích là thương học sinh nhưng điều đó không đúng vì sẽ gây rối loạn trong khâu quản lý xét tuyển và gây bức xúc, lo âu cho thí sinh. Nhà trường nên công bố khoảng bao nhiêu điểm thì đỗ, thí sinh căn cứ vào đó để nộp hồ sơ vào. Đến khi đủ chỉ tiêu thì ngưng. Không nên quy định thời gian mỗi đợt xét tuyển 20 ngày vì quá dài, nếu có quy định thì chỉ nên 10 ngày.

Ông TRẦN XUÂN NHĨ, Phó Chủ tịch
Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam

Nên nghiên cứu cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội


 
Những ngày xét tuyển vừa qua thí sinh vô cùng căng thẳng, hồi hộp, kể cả những thí sinh điểm cao cũng có thể bị trượt, không đúng như mong muốn của Bộ là để thí sinh điểm cao không bị rớt oan.

Nhiều phụ huynh có con 20 điểm nhưng khuyên con chọn trường lấy 17 điểm để đảm bảo đậu ĐH, còn học ngành gì cũng được. Điều này dẫn tới tình trạng sinh viên học ĐH nhưng không say mê, hứng thú với nghề nghiệp, ra trường nhiều khả năng không xin được việc hoặc làm việc không có hiệu quả...

Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cách tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, làm bài thi đánh giá năng lực, thi một buổi, câu hỏi thì toàn bộ các môn đều có, không ai học lệch được. Rất nghiêm chỉnh, làm bài xong là biết kết quả bao nhiêu điểm. Mô hình ấy của một đơn vị thôi nhưng thấy hay thì phải nghiên cứu sửa đổi thêm cho phù hợp.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG

Nên tính đến đăng ký trực tuyến để đỡ tốn kém đi lại


 
Cái được của đợt xét tuyển năm nay là thí sinh biết điểm rồi mới ĐKXT, vì thế thí sinh có thể biết được mức điểm của mình phù hợp với trường nào lúc đó mới đăng ký vào. Nguồn xét tuyển của các trường có thương hiệu, các trường tốp trên khá thuận lợi, nhà trường chọn được những thí sinh có chất lượng. Tuy nhiên, những trường tốp dưới và đặc biệt là những trường ngoài công lập sẽ khó khăn trong nguồn tuyển.

đợt xét tuyển vừa qua, thời gian kéo dài 20 ngày, dài quá mức cần thiết. Nếu tính tổng cả bốn đợt xét tuyển thì đã là 100 ngày, như vậy ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học. Không nên để quá dài vì gây căng thẳng, mệt mỏi không cần thiết cho phụ huynh.

Bộ GD&ĐT cũng nên tính toán để xây dựng phần mềm tuyển sinh cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến để giải quyết được bài toán rút ra, nộp vào và đi lại để đỡ vất vả cho thí sinh và phụ huynh.

TS TRẦN MẠNH DŨNG, Trưởng phòng
Đào tạo Học viện Ngân hàng.

H.HÀ - V.LONG ghi

Ba được, sáu chưa được

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia giáo dục, Pháp Luật TP.HCM tổng hợp thành bảng nhận xét về những mặt được và chưa được của kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Ba được:

1. Kỳ thi năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi chỉ phải tham gia một đợt thi thay vì bốn đợt thi như trước đây, làm giảm áp lực căng thẳng, tốn kém cho gia đình thí sinh và xã hội.

2. Việc các thí sinh biết kết quả thi trước rồi mới đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH sẽ giúp thí sinh chủ động lựa chọn các trường, ngành học phù hợp. Đây là hướng đi đúng tiến sát các nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

3. Việc biết điểm thi rồi mới đăng ký vào trường đã giúp phân tầng các trường ĐH, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo của các trường.

Sáu chưa được:

1. Mỗi hồ sơ ĐKXT cho phép được chọn tối đa bốn ngành. Việc này sẽ suôn sẻ nếu khả năng lọc ảo của phần mềm tuyển sinh hoạt động tốt nhưng thực tế không diễn ra đúng như vậy. Tình trạng thí sinh ảo đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho thí sinh vì không biết chính xác khả năng đậu hay rớt của mình. May thay nhiều trường đã có chương trình riêng để lọc ảo.

2. Việc cho phép thí sinh được chuyển đổi nguyện vọng, rút hồ sơ sang trường khác không hạn chế số lần, đây là nguyên nhân chính gây nên cảnh rối loạn trong khâu xét tuyển những ngày qua.

3. Quy định mỗi thí sinh đăng ký vào một trường với bốn nguyện vọng cho bốn ngành học khác nhau là chưa thật khoa học vì đi ngược định hướng nghề nghiệp chọn ngành học. Thay vào đó nên cho thí sinh nộp đơn vào bốn trường có cùng ngành học phù hợp năng lực, sở thích của thí sinh thì sẽ hợp lý hơn.

4. Thời gian xét tuyển đợt 1 để 20 ngày là quá dài; ngoài ra còn bốn đợt xét tuyển bổ sung kéo dài gần cả trăm ngày làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của các trường.

5. Hiện nay việc xét tuyển chủ yếu phụ thuộc vào hình thức thủ công thay vì đăng ký trực tuyến là một khó khăn lớn cho cả các trường và thí sinh. Hầu hết thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. Những thí sinh ngoài tỉnh phải đi lại nhiều lần để ĐKXT, rút hồ sơ, đổi nguyện vọng gây mệt mỏi, mất thời gian và tốn kém. Sắp tới, Bộ GD&ĐT cần cải tiến khâu ĐKXT trực tuyến để thí sinh đỡ vất vả hơn.

6. Bộ GD&ĐT mà cụ thể là Cục Khảo thí còn độc quyền quản lý cơ sở dữ liệu thí sinh và điểm thi gây khó khăn và ảnh hưởng rất nhiều cho các trường trong khâu xét tuyển. Đó là chưa kể hạ tầng công nghệ thông tin không đủ mạnh nên đã gây ra sự cố nghẽn mạng.

TNT tổng hợp

Cơ hội vào ĐH chưa hết

Bộ GD&ĐT vừa có báo cáo về xét tuyển ĐH đợt 1. Theo Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 20-8 đã có gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (so với dự kiến số thí sinh đạt điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ ĐH là hơn 531.000). Có thể nói phần lớn số thí sinh đạt điểm trên sàn ĐH, CĐ đã tham gia xét tuyển.

Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có 108 trường ĐH và 21 trường CĐ có số thí sinh ĐKXT lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Với tình hình thí sinh ĐKXT như trên dự kiến có hàng trăm trường ĐH, CĐ với hơn 350.000 chỉ tiêu sẽ được xét tuyển ngay từ đợt 1 (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1).

Có một số trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh ĐKXT cao như Trường ĐH Võ Trường Toản (107%), Trường ĐH Buôn Ma Thuột (93%), Trường ĐH Hoa Sen (91%), Trường ĐH Văn Lang (80%), HUTECH (60,8%), Trường ĐH Thăng Long (60%); có khoảng 10 trường khác đạt từ 50% trở lên.

Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT là gần 43.000 (chiếm 8,1% tổng số thí sinh ĐKXT đợt 1); trong số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng ĐKXT tại các sở GD&ĐT là hơn 11.000, tại các trường ĐH, CĐ là gần 32.000. Việc thay đổi nguyện vọng ĐKXT chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh ĐKXT vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Ngày 25-8, các trường bắt đầu đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết với các em chưa trúng tuyển đợt 1 thì cơ hội vào ĐH chưa phải là hết. Có khá nhiều trường ĐH-CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thông tin liên quan đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được các trường cập nhật trên trang web của trường. Việc ĐKXT vào nguyện vọng bổ sung các em sử dụng các giấy báo điểm còn lại. Các em cần lưu ý là trong đợt xét tuyển bổ sung không được rút hồ sơ ra và điểm thi không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

H.HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới