Trong tuần, các bài viết “Tiêu chuẩn nước mắm và nước… không phải mắm”, “Nhập nhèm khái niệm nước mắm là có tội”, “Vụ tiêu chuẩn về nước mắm: Tạm dừng, rồi sao nữa?” tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc và dư luận.
Sau khi bị phản ứng mạnh vì có nhiều nội dung bất hợp lý, nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất nước mắm truyền thống, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đã bị tạm dừng thẩm định.
Quan trọng nhất là sức khỏe người tiêu dùng
Việc tạm dừng dự thảo về nước mắm, theo bạn Minh Nguyễn là rất đúng: “Một dự thảo đưa ra mà có quá nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận là không ổn, thậm chí các bên còn tranh cãi kịch liệt với nhau. Người dân như tôi cũng rối với các “ông” nước mắm này quá, không biết dùng sản phẩm nào đây?”.
Theo bạn LamBa, cần phải khẳng định chỉ có nước mắm làm theo truyền thống mới là nước mắm. Các loại khác nên gọi là nước chấm công nghiệp cho rõ ràng, đừng lập lờ với đủ loại tiêu chuẩn để người dân không phải sa vào “ma trận” nước mắm.
“Mỗi người mỗi sở thích, người thì thích mùi vị nước mắm truyền thống, người thì thích vị nước mắm công nghiệp. Với tôi thì nước mắm nào dùng nghe ngon là tôi dùng thôi, quan trọng là các loại nước mắm phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dùng” - bạn Thanh Hiệp nêu ý kiến.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Chung chi để xây dựng, ai hưởng lợi?
Các bài viết “Chủ tịch huyện Bình Chánh lên tiếng về nạn xây nhà lụi”, “Nhân sự nào ở Bình Chánh sắp mất chức?” cũng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã xác nhận việc tự chuyển mục đích và xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là có thật. Về tình trạng chung chi, bảo kê, tiếp tay cho vi phạm xây dựng huyện cũng đã ghi nhận, Công an TP cũng đã vào cuộc, nếu phát hiện có chung chi xây không phép sẽ xử lý nghiêm.
Bạn Hải Nguyễn nêu trường hợp khó khăn của mình: “Do phải chung chi nhiều để xây nhà mà tôi không đủ khả năng nên phải đi ở trọ. Mong các cấp chính quyền có quy hoạch rõ ràng, cho chuyển mục đích với những khu đất không còn làm nông nghiệp nữa để người dân được xây nhà một cách hợp pháp”.
Là người dân ở huyện Bình Chánh, bạn Trần Văn Hai nêu ý kiến: “Tôi ở Bình Chánh đã trên 20 năm rồi và thấy tình trạng chung chi cho xây dựng là có. Muốn xây dựng cỡ nào cũng có, cứ alo cho cò thỏa thuận được giá là xây thôi. Các khoản chung chi, lót tay để xây dựng trái phép như vậy ai sẽ hưởng lợi đây?”.
“Vấn đề nhà xây dựng trái phép ở Bình Chánh đã có từ lâu rồi chứ không phải mới đây. Đã có cán bộ quản lý ở địa phương, đầu nậu cò xây dựng bị kỷ luật, xử lý nhưng xem ra tình trạng này không giảm. Giờ báo chí lại thông tin về nạn xây dựng nhà trái phép lại tiếp tục tái diễn ở Bình Chánh, quản lý gì kỳ vậy?” là câu hỏi của bạn Ngọc Hạnh.
Dải bê tông gây chết người, ai chịu trách nhiệm?
“Tông vào dải bê tông giữa cao tốc, thanh niên tử vong”, “Gỡ dải bê tông gây chết người trên đường dẫn cao tốc” là những bài viết có nhiều ý kiến bạn đọc cũng như gây bức xúc trong dư luận tuần qua.
Trước đó, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) chạy xe máy trên đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây trong làn dành cho xe máy thì va vào dải bê tông ở giữa làn đường xe máy, tử vong tại chỗ. Khu 2 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) thừa nhận là đơn vị đã lắp đặt dải bê tông nhằm ngăn ô tô vào làn đường xe máy gây ùn tắc.
Bạn DanThuong có ý kiến là cơ quan chuyên về quản lý giao thông mà lại cho đặt dải bê tông quá nguy hiểm cho người đi đường và không khoa học tí nào. Không cho hoặc cấm ô tô thì phải có biển báo cấm rõ ràng, không làm ẩu như vậy được.
Bạn Thanh Tâm bức xúc: “Cơ quan quản lý nghĩ sao mà cho đặt cục bê tông to đùng trên đường như vậy, không gây tai nạn mới lạ. Đừng cho rằng người dân đi đường không quan sát, chạy ban đêm xe sau nối xe trước, rồi đèn xe ngược chiều nữa thì có tai nạn là cái chắc”.
Bạn XuanNghia nêu ý kiến: “Theo báo chí thông tin thì dải bê tông gây tai nạn chết người trên đường dẫn cao tốc vừa rồi không có trong luật, gọi là rào chắn không phải, dải phân cách cũng không. Giờ có tai nạn chết người như vậy thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đây?”.
Ông Park Hang-seo đã rất fair play Bài viết “Gala tổng kết và trao giải Fair Play 2018: Bốn tuyển thủ đăng quang” đã nhận được nhiều ý kiến, lời chúc mừng của bạn đọc. Tối 11-3, gala trao giải thưởng Fair Play 2018 của báo Pháp Luật TP.HCM đã đọng lại nhiều ấn tượng với các chuyên gia và hàng ngàn người yêu bóng đá Việt Nam. Xin chúc mừng báo Pháp Luật TP.HCM với giải thưởng Fair Play không chỉ tôn vinh một nền bóng đá sạch, cao thượng mà còn là những hình ảnh rất đời thường, chân thực và rất đẹp của các cầu thủ. Minh Quang Có giải thưởng Fair Play này để tôn vinh cái đẹp trong bóng đá, tôi tin rằng những hành vi bạo lực, gian dối trong bóng đá Việt Nam mình đã xảy ra lâu nay sẽ không còn nữa. Nguoihammo Ông Park Hang-seo đã rất fair play vì không chỉ truyền lửa nghề cho các cầu thủ trẻ Việt Nam mình mà ông còn dạy cho họ cách ứng xử, điều hay lẽ phải trong đời sống hằng ngày. Bốn tuyển thủ được đăng quang trong đêm gala đã nói lên tất cả. Tấn Lực |