Sách giáo khoa mới vẫn còn nhiều lỗi

(PLO)- Có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho sáu khối lớp, trên 2/3 tác giả có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Dù vậy, sách giáo khoa vẫn còn nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn, sử dụng SGK giáo dục phổ thông. Từ đó đưa ra các đề xuất, định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành, lựa chọn và sử dụng SGK.

Hơn 1.000 tiến sĩ biên soạn SGK

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS.

Việc triển khai từ biên soạn, thẩm định đến phát hành… SGK đang diễn ra theo đúng kế hoạch; bảo đảm kịp thời triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia quá trình biên soạn SGK. Tổng cộng có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho sáu khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn SGK và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết SGK theo quy định tại Thông tư 33. Trên 2/3 tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Có sáu NXB tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp (gồm các NXB: Giáo dục Việt Nam, ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Vinh, ĐH Huế); ba tổ chức biên soạn SGK gồm: Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Việt Nam (VPBOX), Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC); Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xuất bản giáo dục Việt Nam (VICTORIA).

Ngoài những ưu điểm, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận những hạn chế nhất định về chất lượng bản mẫu SGK như: Còn một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…

Về việc thẩm định, phê duyệt SGK, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận khi SGK được đưa vào sử dụng.

Vì đâu SGK mới có giá cao?

Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh về giá SGK cao, ảnh hưởng đến người dân. Trước những ý kiến này, Quốc hội đã yêu cầu sửa đổi về Luật Giá để đưa SGK vào loại hàng Nhà nước định giá.

“Là doanh nghiệp tự nguyện tham gia biên soạn SGK, theo chủ chương xã hội hóa, chúng tôi sẵn sàng chấp hành các quy định mới của pháp luật về giá SGK. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý nghiên cứu kỹ để luận giải một cách đầy đủ về nguyên nhân giá SGK mới cao hơn SGK cũ, từ đó đề ra những quy định hợp lý về định giá SGK” - ông Ái nói.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa theo quy định. Ảnh: PHI HÙNG
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa theo quy định. Ảnh: PHI HÙNG

Cũng theo ông Ái, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc SGK mới có giá cao hơn SGK cũ. Trong đó, bộ SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do các nhà xuất bản (NXB), doanh nghiệp bỏ vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng để thực hiện tất cả khâu, từ tổ chức biên soạn, mua vật liệu đầu vào đến trả tiền nhuận bút… không được ngân sách nhà nước chi trả cho một số khâu như trước đây.

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Lê Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin đơn vị này đã thực hiện triệt để các chỉ đạo về giá sách.

Theo đó, sau năm đầu tiên, SGK lớp 2, lớp 6 đã được tiết chế để giảm và đã có giá thấp hơn SGK lớp 1. Đối với SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay, NXB rất quyết liệt tiết giảm mọi chi phí để hạ giá SGK 5%-10% so với SGK các lớp trước.

Riêng giá SGK tiếng Anh bị phản ánh cao gấp nhiều lần so với các SGK khác, thậm chí có cuốn cao gấp 4-5 lần, ông Hải lý giải do trong nước phải liên kết xuất bản với các NXB trên thế giới. Việc chi trả bản quyền cho các NXB là chi phí rất lớn.

Về mặt quy cách, khi hợp tác xuất bản, các NXB phải cam kết tuân thủ sự tương đồng về chất lượng giấy, khuôn khổ… của các NXB nên không thể đưa những cuốn SGK này giảm xuống.

Để có một bộ SGK tiếng Anh không quá đắt đỏ như sách nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, các NXB đã chọn việc liên kết xuất bản để tạo ra một bộ SGK từ nước ngoài và Việt Nam, theo quy chuẩn nước ngoài nhưng in ấn ở Việt Nam để có giá rẻ hơn.

Tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa

Nhận định rõ ưu điểm và hạn chế trong chất lượng bản mẫu SGK; việc thẩm định, phê duyệt và lựa chọn, cung ứng SGK, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp triển khai tiếp theo cho vấn đề này.

Theo đó, tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK... Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK. Đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục; đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.

Khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm