Tập đoàn Intel và Nhà xuất bản Giáo dục hỗ trợ cán bộ, giáo viên phương pháp sử dụng công cụ SGKĐT.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tán thành chủ trương nên áp dụng SGKĐT vào giảng dạy học sinh vì phù hợp với phát triển giáo dục thế giới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn nhiều về những khó khăn khi thực hiện thí điểm SGKĐT. Theo các đại biểu, khi học sinh tiểu học phải học nhiều giờ liền trên chiếc máy tính bảng, chắc chắn thị lực của các em sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vậy thiết kế của máy tính bảng phải được tính toán kỹ lưỡng về kích cỡ, hình khối và độ sáng của màn hình. Việc quản lý các em khi sử dụng máy tính bảng truy cập thông tin cần phải có sự giám sát chặt giữa phụ huynh và nhà trường. Hơn nữa, các em đang trong độ tuổi phải rèn nét chữ, nếu áp dụng hoàn toàn sách điện tử, nhất là trong môn tiếng Việt, các em sẽ bị ảnh hưởng về cách nói, cách viết tiếng mẹ đẻ...
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nếu trang bị SGKĐT cho tất cả trường tiểu học tại TP.HCM phải tốn số tiền 3.900-4.400 tỉ đồng (phần cứng chiếc máy tính bảng ứng dụng công nghệ của Tập đoàn Intel; phần mềm nội dung thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục). Với số tiền ấy, không ít phụ huynh sẽ gặp khó khăn để mua sách điện tử cho con mình.
Nhiều đại biểu kiến nghị đề án muốn thí điểm thành công cần phải chọn thí điểm ở một số trường cụ thể; không thể áp dụng đại trà vì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều phụ huynh và học sinh. Đề án cũng cần phải tiến hành điều tra, thăm dò ý kiến của nhiều giới, nhiều thành phần xã hội, nhất là ghi nhận ý kiến của phụ huynh và học sinh.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, nhìn nhận để đề án triển khai thành công thì cần thiết có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đầu năm học 2014-2015, ngành giáo dục cần phải lấy ý kiến của phụ huynh để xem họ có kham nổi chi phí không, có vướng mắc gì không. Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP cần đáp ứng các tiêu chí như đào tạo đội ngũ giáo viên thành thạo chuyên môn để truyền thụ cho học sinh; nội dung giảng dạy đảm bảo chất lượng đúng theo quy định của Bộ…
Trên cơ sở các góp ý của các đại biểu, Sở GD&ĐT TP sẽ tiếp thu và tổ chức hội thảo tiếp theo để hoàn thiện đề án trước khi trình UBND TP phê duyệt và triển khai.
P.TĨNH - H.LAN