Sài Gòn bùng nổ chung cư trong hẻm

Một hẻm ba chung cư

Tân Phú là nơi có số lượng chung cư xây trong hẻm nhiều nhất ở TP.HCM. Con hẻm 284 đường Lũy Bán Bích được thông với hẻm 118 đường Hòa Bình, quận Tân Phú. Chưa đầy một cây số đã có ba chung cư mọc lên san sát nhau.

Đầu tiên là chung cư Lotus Garden do Công ty Cổ phần Việt Âu làm chủ đầu tư. Chung cư này có hai block cao 21 tầng với 596 căn hộ từ 1-3 phòng ngủ, đã được đưa vào sử dụng hồi tháng 3-2012.

Đối diện với Lotus Garden là khu căn hộ cao tầng Tân Phú IDICO do Tổng Công ty IDICO làm chủ đầu tư. Dự án này có ba block với 523 căn hộ, 1.200 chỗ để xe máy và 100 chỗ đậu ô tô. Hiện tại, dự án đang thi công đến tầng 18.


Điều đáng nói, cả hẻm 284 đường Lũy Bán Bích lẫn hẻm 118 đường Hòa Bình chỉ rộng khoảng 5 m. Hai xe ô tô đi ngược chiều là kẹt xe. Nếu tính trung bình một căn hộ có ba người sinh sống, khi cả ba chung cư đồng loạt đi vào hoạt động sẽ có gần 4.000 người về đây định cư.

Tại quận Tân Phú còn có dự án chung cư Khuông Việt tọa lạc ở 341/13A, đường Khuông Việt, phường Phú Trung do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Tân Bình làm chủ đầu tư.

Dự án này có diện tích 3.324 m2 với một block cao 17 tầng và 233 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 51-94 m2. Hiện tại, Khuôn Việt đã cất nóc và dự kiến s4 giao nhà vào quý III-2017.

Còn dự án Rivera Park được bao bọc bởi các con hẻm số 7, 7A đường Thành Thái và 1B, cư xá Đồng Tiến, quận 10, TP.HCM. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang.

Rivera Park nằm trên khuôn viên 10.893 m2 với 420 căn hộ có diện tích từ 62,8–87,6 m2. Tổng vốn đầu tư 1.337 tỉ đồng. Hiện tại, dự án đã xong phần thô với ba block chung cư. Dự kiến sẽ được bàn giao cho khách hàng từ quý II năm nay. Giá chuyển nhượng trên thị trường khoảng 44 triệu đồng/m2.

Hẻm số 7 đường Thành Thái có chiều dài khoảng 2 km nhưng có đoạn, chiều rộng chỉ đủ hai chiếc xe gắn máy tránh nhau. Đầu đường Thành Thái quẹo vào hẻm là Trường THPT Nguyễn Khuyến. Đi vào hẻm 30 m là Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Gần cuối hẻm còn có hai chung cư đã xây dựng được năm năm là Thiên Nam với 50 căn hộ và hai block chung cư Nguyễn Tri Phương 7A.

Tượng tự, con đường dẫn vào chung cư Phú Đạt ở địa chỉ 48/5B, Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Con đường này chỉ rộng chừng 4 m khiến hai xe ô tô rất khó tránh nhau. Mỗi khi triều cường, con đường độc đạo dẫn vào chung cư bị ngập, cư dân phải bì bõm lội nước.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chung cư Sài Gòn Land Apartment ở Bình Thạnh, chung cư Mỹ Phú tại quận 7…

Cấp phép không dựa vào thực tiễn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết việc bùng nổ các chung cư trong hẻm ở thời gian gần đây là do việc cấp phép xây dựng không dựa vào thực tiễn mà dựa vào đường dự phóng.


Dự án Rivera Park nằm giữa ba con hẻm ngay tại trung tâm quận 10

“Quy hoạch dự kiến là vậy nhưng đến bao giờ mới được triển khai, khi nào con hẻm mới được mở rộng thành đường. Rõ ràng, chủ đầu tư đang dẫn dắt Nhà nước trong việc cấp phép xây dựng chung cư, cao ốc văn phòng” - ông Châu nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc cấp phép dự án cần chú ý đến quy hoạch giao thông và cấp thoát nước. Tuy nhiên, đến nay bài toán cấp phép xây dựng chung cư hay đầu tư hạ tầng trước vẫn chưa có lời giải thấu đáo.

“Việc cấp phép xây dựng ồ ạt trên các tuyến đường, con hẻm không chỉ gây khó khăn cho dân cư mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhà đầu tư. Do đó, TP.HCM nên ưu tiên cấp giấy phép xây dựng trước với các dự án cải tạo chung cư cũ. Các đối tượng khác khi có hạ tầng hoàn thiện mới được cấp phép xây dựng sẽ phù hợp hơn” - ông Châu nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Quy hoạch kiến trúc cho biết các quy định về cấp giấy phép xây dựng đã được cụ thể hóa. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép xây dựng cho một căn nhà nhỏ hay chung cư, cao ốc vẫn theo quy định chuyên ngành mà thiếu cân nhắc, xem xét đến nhiều yếu tố tổng thể chung.

“Vì vậy mới có tình trạng khu dân cư ra đời nhưng không được nối kết hạ tầng, thiếu trường học. Nhiều con đường nhỏ, hẻm chỉ vài mét nhưng lại dày đặc cao ốc và chung cư khiến kẹt xe, hạ tầng quá tải” - vị chuyên gia này nói.

Để giải quyết bài toán hạ tầng khi cấp phép xây dựng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng nhà đầu tư có năng lực thì nên cùng với Nhà nước làm hạ tầng, mở rộng hẻm trước khi xây dựng.

Ông Châu lấy dẫn chứng, công ty Đại Quang Minh làm bốn tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm. Hưng Thịnh đề nghị làm hầm chui ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Him Lam muốn làm đường song hành cạnh bên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây.

“Doanh nghiệp muốn cùng với Nhà nước làm hạ tầng phải có tầm nhìn, trách nhiệm xã hội và năng lực tài chính. Khi làm hạ tầng, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ tiền sử dụng đất hoặc UBND TP.HCM giao quỹ đất để làm dự án” - ông Châu nói.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới