Sai lầm khi hù dọa con

Sai lầm khi hù dọa con ảnh 1
Phụ huynh nên tìm những lời lẽ phù hợp để khuyên răn khi dạy con - Ảnh: Shutterstock

Tác dụng ngược
“Nếu con không rửa tay mà cầm thức ăn bỏ vào miệng thì những con vi trùng sẽ chui vào bụng của con cho mà coi” - đó là lời hù dọa của chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với đứa con gái 4 tuổi khi bé đi chơi về chưa rửa tay mà cầm bánh ăn. Con bé hỏi lại: “Con vi trùng là gì hả mẹ?”. Không muốn giải thích dài dòng vì nghĩ rằng con không hiểu, chị Ngân nói: “Là con giun”. Câu trả lời bâng quơ, không đến nơi đến chốn ấy của người mẹ đã khiến con bé ám ảnh mãi. Chị Ngân kể: “Một hôm, lúc nửa đêm con bé đang ngủ bỗng ngồi dậy khóc thét lên và kêu mẹ ơi, con nghe thấy những con giun đang cắn trong bụng”. Sợ có điều không lành thế là chị phải tức tốc đưa bé đến bệnh viện siêu âm ngay trong đêm hôm ấy. Còn chị Lê Thị Hiền (Q.11, TP.HCM) kể: “Có lần đứa con trai 5 tuổi không vâng lời nên mình đã quát lên và nói nếu con không nghe lời ba mẹ, mai mốt ba mẹ bỏ con luôn hay cho người khác nuôi chứ mẹ không bao giờ nuôi một đứa con không biết nghe lời như thế”. Không ngờ những lời nói ấy đã khiến cậu bé có cảm giác như sắp bị bỏ rơi thật sự. Thế là cậu cứ buồn buồn mấy ngày liền, không thiết tha ăn uống gì cả và rồi đổ bệnh cả tháng trời. Một tình huống tương tự cũng để lại hậu quả nghiêm trọng. “Bài toán này dễ quá mà con làm không được là sao? Con ăn gì mà ngu quá vậy?”. Cứ tưởng những lời nói sốc, nói nặng của anh Lê Văn Hùng với đứa con trai đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) như thế sẽ làm con mình có ý thức và cố gắng học tập tốt hơn, nhưng anh không ngờ kể từ đó học lực của con ngày càng sa sút. Gây tâm lý hoang mang cho trẻTheo thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM, hầu hết ông bố, bà mẹ biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì nhưng có thể do tâm trạng không vui, bận việc hay xót con... mà khi trẻ làm sai hoặc bướng bỉnh thì bố mẹ có những lời nói, hành động không đúng. Khi đó, thay vì giải thích cho trẻ hiểu không được làm điều gì đó thì họ lại nói lẫy, nói ngược... trong khi con cái luôn tin vào lời nói và chưa nhận thức được hoàn toàn cảm xúc giận dữ, không bằng lòng của cha mẹ. Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng: “Với kiểu nói như vậy, nhiều trẻ lại nghĩ cha mẹ đang khuyến khích mình lặp lại hành vi đó. Khi cha mẹ chỉ bảo không rõ ràng, trẻ khó phân biệt được hành vi nào nên làm và không nên làm. Từ đó dễ dẫn đến trẻ có tâm trạng hoang mang, mất niềm tin”. Bà Thúy khuyên khi trẻ có hành vi lệch lạc, không đúng thì cha mẹ cần phải giải thích, phân tích và điều chỉnh để trẻ hiểu mà thay đổi. Các bậc cha mẹ nên luôn cân nhắc lời nói khi khuyên dạy con cái.

Mỗi lần tức giận, tôi ôm chặt con

Lên 3 tuổi, con tôi trở thành một siêu quậy tí hon và siêu lì lợm. Đỉnh điểm của cơn lì phải kể đến hôm chồng tôi đi công tác, chỉ có 2 mẹ con ở nhà. Tôi thì bị cảm, bé thì bị sốt. Tôi dỗ con ăn để uống thuốc nhưng con bé nhất định không ăn lấy một muỗng. Nịnh nọt, cương quyết kiểu gì cũng lắc đầu. Sẵn đang mệt mỏi, lại sợ bé không ăn, không uống được thuốc thì càng sốt cao, không kiềm chế được, tôi quát lên. Bé khóc nấc lên và chấp nhận ăn được 4 muỗng trong sự ấm ức, nức nở. Công đoạn cho uống thuốc mới nhiêu khê. Tôi vừa chạy theo bé khắp nhà để giữ bé lại, vừa lăm lăm ly thuốc mà không cách nào được.

Tôi bèn đứng dậy ra bếp lấy cây đũa dài, chạy lại đánh vào lưng con, vừa khóc vừa quát: “Con hư, mẹ không thương con nữa. Con đi ra khỏi nhà ngay lập tức. Đừng gọi mẹ nữa!”. Thấy con nín bặt, tôi lại hoảng sợ. Tôi vội vàng ôm chặt lấy bé, người bé nóng bừng vì sốt. Sau lần đó, mỗi lần tức giận con, tôi ôm chặt bé và nói “con hư, mẹ vẫn thương con, nhưng nếu con ngoan, mẹ thương con gấp nhiều lần”, và thấy rõ ràng có hiệu quả hơn.

Mỹ Quyên
(ghi theo lời chị Trịnh Minh Thủy, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)


Theo Lê Thanh (TN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm