Sáng 13/5 bán đơn vào lớp 1 trường Thực nghiệm

Sáng 12/5, sau một đêm dầm mưa chờ đợi, hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1. Trao đổi với  PV ngay sau sự cố này, Hiệu phó Lê Thị Mai Hương cho biết, thực sự bất ngờ vì số phụ huynh đến mua đơn quá đông so với dự kiến. Trường chưa công bố lượng hồ sơ bán ra và con số 200 chỉ là đồn đại.

"Chúng tôi đã in khoảng 300 đơn dự thi. Hôm nay trường sẽ họp rút kinh nghiệm và có thể bổ sung thêm hồ sơ, nhưng tất nhiên không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh nếu số lượng vẫn đông như hôm nay", bà Hương nói.

Vị hiệu phó cho biết, năm ngoái trường cũng bán gần 300 hồ sơ, những người xếp hàng từ đêm hôm trước đều mua được đơn. Đến 7h sáng, hồ sơ vẫn còn mà người xếp hàng đã hết.

"Nhiều năm được hiệu trưởng giao nhiệm vụ phụ trách bán đơn dự thi, tôi chưa thấy năm nào đông như năm nay. Chúng tôi hoàn toàn bất lực trước dòng người ồ ạt xông vào. Nếu họ tràn vào khu vực bán đơn thì không thể nào kiểm soát nên tôi phải bàn với công an tạm dừng lại", bà Hương phân trần.

Sáng 13/5 bán đơn vào lớp 1 trường Thực nghiệm ảnh 1
PTCS Thực nghiệm là trường duy nhất đào tạo thực nghiệm tại Hà Nội nên nhiều phụ huynh mong muốn cho con học tại đây. Ảnh: VNE
Theo bà hiệu phó, sau sự cố này trường sẽ bàn cách tốt nhất để tuyển sinh hợp lý và đỡ căng thẳng hơn. Mong muốn có những học sinh tốt nhất nhưng số lượng tuyển vào chỉ 140 em, nên ngôi trường trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) phải hạn chế đơn để kỳ thi bớt căng thẳng. "Mỗi gia đình có 3-4 người đi xếp hàng cho một cháu nên lượng người mới đông khủng khiếp như thế. Hy vọng ngày mai khi bán đơn họ không tự tạo áp lực cho nhau nữa", bà Hương nói và cho hay, trước kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 6, trường sẽ nói chuyện, giải đáp thắc mắc để phụ huynh cân nhắc trước khi cho con thi. Trao đổi với PV, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành cho biết, việc phụ huynh đổ xô vào trường Thực nghiệm là vì nhiều lẽ chứ không đơn thuần do trường có phương pháp dạy đặc biệt. "Đó có thể là do ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều nhân tài trong đó có GS Ngô Bảo Châu", ông Thành nói. Theo ông Vụ trưởng, mô hình đào tạo thực nghiệm được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm và đã thành công. Mô hình này được Bộ GD&ĐT thông báo ứng dụng và nhân rộng trên cả nước. Hiện, có 16 tỉnh, với hàng chục trường đang dạy theo mô hình này. "Tuy nhiên, do Sở GD&ĐT Hà Nội chưa đăng ký nên Bộ cũng không thể ép buộc", Vụ trưởng Thành nói thêm.
Theo Hoàng Thùy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm