“Xung quanh việc nợ thuế của Tổng Công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Unilever Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Thuế có ý kiến chỉ đạo cụ thể vì vấn đề này ngoài tầm quản lý của Cục Thuế TP.HCM”.
Đây là đề nghị “thống thiết” của ông Đặng Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, tại hội nghị trực tuyến mới đây của ngành thuế.
Sở dĩ ông Tâm phải đề nghị như trên là vì việc cưỡng chế thuế khoảng 3.100 tỉ đồng đối với “ông lớn” Sabeco đã không được như mong muốn.
Trong khi đó Sabeco khẳng định “không có bất cứ hành vi sai phạm nào trong kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt” và “việc tuân thủ pháp luật thuế của Sabeco theo đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước”. Công ty này cũng đã “kêu cứu” lên Thủ tướng và không chọn cách hành xử khác là khởi kiện ra tòa.
Và cuối cùng, đích thân Thủ tướng lại phải chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chưa thực hiện cưỡng chế thuế của Sabeco để rà soát lại một lần cho chắc hơn vào cuộc, xem xét theo quy định của pháp luật.
Nhưng không chỉ Sabeco mà trước đó liên tiếp có nhiều vụ việc doanh nghiệp (DN) kêu cứu lên Thủ tướng nhằm tháo gỡ những vướng mắc giữa DN với DN hoặc DN với cơ quan quản lý mà điển hình là vụ Công ty Ba Huân hay Unilever Việt Nam.
Dĩ nhiên, Thủ tướng không thể chỉ đạo xem xét giải quyết bất kể một vấn đề gì theo hướng trái hoặc bên ngoài pháp luật. Người đứng đầu cơ quan hành pháp, cũng như bất kể ai, cũng phải tuân theo pháp luật. Đó là điều đương nhiên.
Trong tinh thần ấy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị của ngành thuế nói trên đã chỉ đạo dứt khoát: “Những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ ngồi giải quyết, phạt hay không phạt phải theo luật. Có gì không đúng là phải qua con đường giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí giải quyết tranh chấp ở tòa án”.
Chỉ đạo này phù hợp với tinh thần của một nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang theo đuổi và xây dựng. Theo đó, trong trường hợp này các cơ quan của nhà nước có trách nhiệm thu thuế có thể khởi kiện DN chây ỳ thuế, nếu chưa có quy định này thì cần bổ sung. Đó không chỉ là một phương thức của thế giới văn minh, tiến bộ, phát triển, mà còn là một cách thể hiện hình ảnh và bản chất của một nhà nước pháp quyền.
Về phía các DN cũng có thể làm tương tự nếu thấy quyết định của cơ quan chức năng là sai. Nên nhớ trước đây đã từng có công ty khởi kiện Chi cục Hải quan TP.HCM và sau đó TAND TP.HCM đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy các quyết định truy thu thuế do phía hải quan ban hành vì trái quy định của pháp luật.
Không nên cái gì cũng kêu cứu lên Thủ tướng, thay vì bằng nhiều con đường khác như đưa nhau ra tòa.