Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31-8 là hơn 27.600 tỉ đồng, tăng 16,5%, tương ứng tăng hơn 3.900 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2017. Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết như trên tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về khảo sát chống thất thu thuế trên địa bàn TP chiều 11-10.
Theo ông Bình, trong số tiền thuế nợ, nợ có khả năng thu tính đến ngày 31-8 khoảng 11.400 tỉ đồng, nợ đang xử lý là 544 tỉ đồng, nợ khó thu chiếm hơn 10.000 tỉ đồng, còn lại nợ đang khiếu nại là hơn 900 tỉ đồng.
Đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp lớn có số tiền thuế nợ lớn hàng trăm tỉ đồng. Đứng đầu về tiền thuế nợ là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (kinh doanh xăng dầu) với 534 tỉ đồng tiền thuế nợ, trong đó phát sinh nợ mới chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường trong tám tháng là 485 tỉ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, công ty đã nộp 873 tỉ đồng. Công ty đã nộp trong tháng 9 được 29 tỉ đồng. Đây là khoản nợ luân chuyển có khả năng thu được. Theo Cục Thuế TP, công ty không có món nợ trên 121 ngày, các món nợ trên 90 ngày đã thực hiện cưỡng chế tài khoản ngân hàng.
Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM, nhiều doanh nghiệp có số tiền thuế nợ lớn 100-500 tỉ đồng trong năm 2018.
Đứng thứ hai là Công ty Cổ phần Gamuda (HCMC) với tiền thuế nợ 525 tỉ đồng, trong đó phát sinh nợ mới tiền thuê đất trong tháng 5-2018 là 514 tỉ đồng (ngành bất động sản). Công ty này cũng đang khiếu nại đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại.
Tiếp đó là Công ty TNHH Bến Thành Sao Thủy (ngành bất động sản) với tiền thuế nợ là 350 tỉ đồng, trong đó phát sinh nợ mới chủ yếu tiền sử dụng đất trong tám tháng là 185 tỉ đồng. Đây là khoản nợ do Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu, công ty đang đề nghị và chờ ý kiến của UBND TP cho tăng vốn nên có khả năng thu được.
Một công ty khá “quen” xuất hiện trong nhóm doanh nghiệp nợ thuế lớn là Công ty Hàng không Jetstar Pacific Airlines với tiền thuế nợ lên tới 325 tỉ đồng. Bộ Tài chính đã có công văn tạm thời chưa thực hiện cưỡng chế cho đến khi có kết luận chính thức bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng theo Cục Thuế TP.HCM, Cục vẫn chưa nhận được kết luận chính thức bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
“Ông lớn” đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cũng nợ tiền thuế lên tới 228 tỉ đồng. Theo Cục Thuế TP.HCM, số tiền thuế nợ của Unilever là khoản phát sinh tiền phạt và tiền chậm nộp. Unilever đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại.
Trong nhóm doanh nghiệp nợ tiền thuế nhiều xuất hiện nhiều công ty bất động sản như Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy với tiền thuế nợ 161 tỉ đồng (nợ thuế thu nhập doanh nghiệp 80 tỉ đồng, tiền chậm nộp 81 tỉ đồng); Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM nợ thuế 117 tỉ đồng, trong đó phát sinh nợ mới chủ yếu thuế GTGT và tiền chậm nộp trong tám tháng là 41 tỉ đồng và tiền phạt, tiền chậm nộp là 76 tỉ đồng.
Hiện doanh nghiệp này đang xin phép chuyển lại mục đích dự án là căn hộ để bán trả nợ thuế, nên đây là khoản nợ tạm thời chưa thu được. Cục Thuế TP.HCM sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh Bình Dương để yêu cầu công ty mẹ thanh toán.
Ngoài ra, trong nhóm nợ tiền thuế còn có mặt của Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM (tiền thuế nợ 182 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 (tiền thuế nợ 145 tỉ đồng là khoản tiền chậm nộp), Công y CP May xây dựng Huy Hoàng (tiền thuế nợ 143 tỉ đồng)…