Ngày 3-10, một nguồn tin cho hay Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng và chấp hành quy hoạch xây dựng tại bãi tắm Thùy Vân (biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu).
Nhà nước cho thuê đất để chỉnh trang biển Bãi Sau
Từ năm 1996, để phục vụ tốt hơn cho khách du lịch... Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch, lập dự án, giao Công ty Đầu tư Xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (khi đó là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước) làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân.
Biển Bãi Sau luôn thu hút rất đông khách mỗi dịp lễ. Ảnh: TK
Từ đó đến năm 2017, công ty nhiều lần thay đổi, tiến hành cổ phần hóa và đến nay công ty này chuyển thành Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC, không còn vốn nhà nước.
Tại các quyết định phê duyệt dự án của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 1996 nêu rõ tổng chiều dài dự án là 3.000 m từ giáp ranh KDL Paradise (đường Thùy Vân hiện hữu) đến giáp đường Phan Chu Trinh. Hình thức dự án là cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới bãi tắm Thùy Vân. Vốn đầu tư dự án là hơn 180 tỉ đồng (đền bù giải tỏa, xây dựng hạ tầng, công trình và chi phí khác).
Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án. Phương thức đầu tư là Nhà nước giao cho công ty xây lắp thuê đất. Công ty sẽ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước và Nhà nước - chủ sở hữu tiền thuê đất sẽ ghi thu-chi, giao lại cho công ty số tiền ấy dưới hình thức Nhà nước giao vốn cho DN nhà nước để kết hợp với số vốn do công ty huy động thuê, xây dựng cơ sở hạ tầng của bãi tắm Thùy Vân.
Sau khi xây dựng hạ tầng để tiếp tục xây dựng các hạng mục khác, công ty được áp dụng các hình thức như: Tự bỏ vốn đầu tư, liên doanh với các đối tác nước ngoài để xây dựng theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt... Dự án khởi công tháng 11-1996 và dự kiến hoàn thành sau một năm.
Tháng 12-1997, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khi đó ký hợp đồng thuê đất, diện tích hơn 17,64 ha (đoạn từ tường rào KDL Paradise tới khách sạn Tháng 10, đường Thùy Vân. Đoạn còn lại từ khách sạn Tháng 10 tới đường Phan Chu Trinh đến nay vẫn chưa bàn giao do chưa giải phóng được mặt bằng - PV) với công ty xây lắp.
Hợp đồng nêu rõ công ty không được chuyển giao khu đất thuê cho tổ chức, cá nhân khác dưới bất cứ hình thức nào nếu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trường hợp công ty bị phân chia, sáp nhập hoặc chuyển nhượng tài sản, hợp đồng để tạo nên pháp nhân mới thì chủ đầu tư mới phải làm lại thủ tục thuê đất cho thời gian còn lại. Tiền thuê đất hằng năm phải nộp vào ngân sách, số tiền gần 1,7 tỉ đồng.
Cuối năm 1997, công ty xây lắp được cấp sổ đỏ cho phần đất thuê trên. Đến 2005, công ty này tiến hành cổ phần hóa. Dù vậy, công ty chưa đăng ký biến động về sử dụng đất theo quy định; Sở TN&MT chưa thực hiện thanh lý hợp đồng thuê đất đã ký trước đó và ký lại hợp đồng thuê đất mới với công ty.
Cho thuê, kinh doanh nhiều năm nhưng nợ thuế
Như đã nói ở trên, công ty xây lắp sau khi nhận thuê đất, xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh có quyền được ký hợp đồng cho các tổ chức có pháp nhân, năng lực tài chính thuê lại mặt bằng để kinh doanh.
Bãi Sau (Vũng Tàu) được các DN thuê đất, đầu tư khá nhiều vào xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, hồ bơi, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Ảnh: TK
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ra điều kiện ràng buộc các đơn vị thuê mặt bằng phải cam kết ứng trước một phần vốn, coi như ứng trước tiền thuê mặt bằng, cam kết kinh doanh trên phần đã thuê và không được cho thuê lại. Mọi vấn đề về xây dựng, tổ chức khai thác kinh doanh, dịch vụ, sử dụng đất của các đơn vị thứ phát đều do công ty xây lắp quản lý và chịu trách nhiệm chính trước Nhà nước.
Tháng 9-1997 và trong năm 2003-2004, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý cho sáu đơn vị thứ phát được ký hợp đồng với công ty xây lắp, thuê lại mặt bằng kinh doanh tại bãi tắm Thùy Vân. Gồm: Công ty Du lịch Vũng Tàu; Công ty Du lịch Dịch vụ dầu khí; Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Ô Cấp; Công ty Đầu tư xây dựng và Dịch vụ du lịch (nay là Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng DIC Corp), Công ty Dịch vụdu lịch quốc tế; Công ty Hưng Hải.
Nhưng qua thanh tra kết luận, việc thực hiện hợp đồng thuê đất của công ty xây lắp và cho các đơn vị thứ phát thuê lại còn nhiều tồn tại: Công ty xây lắp không đầu tư xây dựng theo quy định, không quản lý đất thuê, không nộp tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thuê. Công ty xây lắp và các đơn vị thuê thứ phát không nộp tiền thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng theo quy định.
Cụ thể, số tiền công ty xây lắp phải nộp hàng năm (từ khi thuê đến trước khi cổ phần hóa xong vào 1-1-2006) là hơn 16,4 tỉ đồng. Nhưng công ty chưa đóng đồng nào vào ngân sách. Các công ty thứ phát cũng không nộp tiền thuê đất cho công ty xây lắp.
Giai đoạn sau khi công ty xây lắp cổ phần hóa thành Công ty VRC như hiện nay, Công ty VRC và các công ty thứ phát dù sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, hạ tầng; một số đơn vị hàng năm có nộp tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế nhưng không đầy đủ, chỉ đóng được khoảng hơn 46 tỉ đồng. Số tiền tồn đọng nợ thuế đất tính đến 31-12-2017 là gần 310 tỉ đồng.
Tuy vậy, một số đơn vị đến thời điểm thanh tra (30-9-2017) lại đã hạch toán tiền thuê đất vào chi phí hoạt động kinh doanh hàng năm cao hơn số tiền thực nộp cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các công ty thứ phát còn tự ý chuyển nhượng tài sản, hạ tầng trên đất cho một số tổ chức, cá nhân khác thuê lại đất để kinh doanh và không ký hợp đồng đúng quy định…
Theo thanh tra, nhận thấy những bất cập trên, từ tháng 11-2013, UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đảm nhiệm việc quản lý hạ tầng khu vực Bãi Sau, trong đó có việc ký kết hợp đồng thuê hạ tầng. Nhưng đến nay trung tâm chưa nhận bàn giao đất, hạ tầng…
Sở TN&MT cũng chưa tham mưu tỉnh xử lý các thủ tục về thanh lý hợp đồng thuê đất với công ty xây lắp cũ, thu hồi quyết định giao đất… Đến năm 2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo và Sở TN&MT đã thu hồi bản chính sổ đỏ diện tích đất thuê của công ty xây lắp cũ tại bãi tắm Thùy Vân.
Kiến nghị Thủ tướng không đấu giá quyền thuê đất Theo Thanh tra tỉnh và tại một số cuộc họp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chín DN sử dụng đất tại bãi tắm Thùy Vân cho rằng do các thủ tục cho thuê đất chưa được các cơ quan có thẩm quyền lập nên tính pháp lý để tính tiền thuê đất chưa chặt chẽ. Các đơn vị không đồng ý số tiền thuê đất như nêu trên. Các DN cũng cho rằng DN đã và đang trực tiếp sử dụng đất thuê đều đã cổ phần hóa, chuyển đổi loại hình DN, thực hiện quyết toán và hiện nay không còn khả năng tài chính để nộp tiền thuê đất theo truy thu của cơ quan thuế. Do đó việc nộp tiền tại thời điểm hiện nay vô cùng khó khăn, không có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến các cơ quan nhà nước và UBND tỉnh đều khẳng định các DN phải đóng số tiền truy thu nêu trên. Thanh tra tỉnh kiến nghị ngay sau khi có kết luận sẽ ban hành ngay các quyết định thu hồi nộp ngân sách của từng DN. Ngoài ra, thanh tra tỉnh cũng đề xuất phương án xử lý (được nhiều ngành đồng thuận) cho rằng nên ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với các DN đang sử dụng đất tại bãi tắm Thùy Vân. Nhưng cần điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết xây dựng Bãi Sau; quy định lại các điều kiện để được kinh doanh… Do trường hợp này sử dụng đất thương mại, dịch vụ nên phải đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, do đây là trường hợp đặc thù, các DN sử dụng đất lâu, đầu tư xây dựng nhiều nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất. Do đó, tỉnh cần xin ý kiến Thủ tướng xem xét về việc cho phép không tổ chức đấu giá thuê đất... |