Pháp Luật TP.HCM ngày 28-5 có bài: “Vì sao bắt được kẻ cướp giật nhưng phải thả?” nêu ý kiến của một trinh sát Đội Hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), cho rằng nhiều vụ công an bắt được nghi phạm cướp giật tài sản nhưng phải cho về vì kiếm không ra nạn nhân.
Ở góc nhìn khác chuyên gia hình sự Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao), lý giải rằng thực tiễn có thể xử lý khác vì pháp luật đều có quy định.
Theo ông Quế, trước hết cần khẳng định rằng, đối với tội cướp giật tài sản từ trước đến nay không phải là tội phạm mà BLTTHS quy định phải có đơn yêu cầu của người bị hại. Do đó, không thể nói “án cướp giật phải có bị hại mới xử lý được, không có nạn nhân là thua!”. Nói vậy là chưa hiểu đúng quy định của BLHS và BLTTHS.
Không nói gì xa, khoảng 11 giờ 55 ngày 17-2, ông Dmitrii Alekseev cùng bạn đi bộ trên vỉa hè từ hướng đường Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM về cơ quan làm việc. Khi đến trước nhà số 40, Bà Huyện Thanh Quan thì bị một thanh niên đi xe máy Yamaha áp sát giật sợi chuyền trên cổ ông Dmitrii Alekseev rồi tăng ga bỏ chạy về hướng đường Cách Mạng Tháng Tám.
Từ đoạn clip ghi lại hình ảnh đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều nguồn tin do người dân cung cấp, đội cảnh sát đặc nhiệm hình sự phối hợp cùng đội trọng án, PC45 đã bắt giữ được thủ phạm. Nạn nhân được xác định là nhân viên ngoại giao Tổng lãnh sự quán Nga tại TP.HCM. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, đội hình sự đặc nhiệm và các lực lượng chức năng đã di lý kẻ cướp dây chuyền lên Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, xử lý.
Giả thiết nạn nhân không phải là ông Dmitrii Alekseev (nhân viên ngoại giao Tổng lãnh sự quán Nga), mà là người nước ngoài đi du lịch sau khi bị cướp giật phải bay về nước ngay hoặc người dân không đến công an trình báo thì không khởi tố được sao?!
Thực tiễn xét xử nhiều năm qua, tòa án đã kết án hàng trăm vụ cướp giật nhưng có tìm được nạn nhân đâu! Vấn đề là cơ quan điều tra có chứng minh được hành vi phạm tội của người phạm tội hay không? Việc tìm kiếm nạn nhân trong các vụ cướp giật là rất cần thiết nhưng nếu không tìm thấy thì đó cũng không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Một vụ cướp giật tại TP.HCM bị bắt quả tang. Ảnh: HT
Tại sao lại cho rằng: “Trước khi bắt đầu hành trình chạy xe ra đường, tổ trưởng tổ trinh sát phải luôn phân công một người “trấn an, bảo vệ “bắt giữ nạn nhân” để khi bắt được nghi phạm mới xử lý được? Nếu người bị hại lắc đầu quầy quậy, không chịu hợp tác dù trinh sát đã xưng danh, đưa thẻ ngành cho coi…”.
Nếu có tình trạng như vậy thì phải chăng công tác tuyên truyền giải thích cho nguyên đơn dân sự khi bị cướp giật chưa tốt? Cơ quan công an và trực tiếp là tổ trinh sát nên xem lại nguyên nhân vì sao nạn nhân (người bị hại) không hợp tác?
Nếu quả đúng là rất nhiều vụ cướp giật công an đã bắt được nghi phạm, thu hồi được tài sản nhưng cuối cùng không xử lý được vì không có nạn nhân tới trình báo thì có lẽ cần phải xem lại. Vấn đề quan trọng là công tác tuyên truyền pháp luật như thế nào để người dân có ý thức rằng nếu bị cướp giật thì đến công an trình báo.
Có lẽ một số cán bộ công an còn nhận thức rằng, không tìm thấy nạn nhân (người bị hại) trong các vụ án cướp giật thì việc giải quyết vấn đề bồi thường như thế nào nên không khởi tố. Quan niệm như vậy là không đúng, vì nếu công an bắt được người cướp giật cùng với tài sản (tang vật) thì BLTTHS đã có quy định rất cụ thể về việc bảo quản, niêm phong vật chứng như thế nào.
Nếu tại phiên tòa mà nạn nhân (người bị hại) vẫn không xác định được thì vật chứng của vụ án sẽ được giải quyết như trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Cơ quan thi hành án (nơi bảo quản vật chứng) chỉ cần đăng báo để tìm chủ sở hữu. Quá thời hạn theo quy định của pháp luật mà không có ai đến nhận thì lập biên bản bán đấu giá lấy tiền sung quỹ Nhà nước.
Trường hợp người phạm tội thừa nhận có hành vi cướp giật nhưng không thu hồi được tài sản cướp được thì khi xét xử tòa án tách phần dân sự trong vụ án hình sự ra để giải quyết bằng vụ án dân sự nếu người bị hại có yêu cầu.
Tóm lại, tất cả đều đã có quy định của pháp luật, vấn đề là cơ quan thực thi nhiệm vụ có xử lý không mà thôi!