Ngày 19-7, chị TTH (34 tuổi, ngụ huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết vừa trình báo Công an huyện Krông Nô về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc qua mạng.
Chiêu lừa cũ, vẫn có người “sập bẫy”
Theo đó, mấy ngày trước, chị H nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên hỗ trợ tăng tương tác cho các tài khoản Tik Tok ở trên mạng để kiếm thêm thu nhập qua app A88. Chị H được yêu cầu hàng ngày thả tim, theo dõi các trang Tik Tok được yêu cầu.
Tin nhắn mà nhóm lừa đảo dẫn dụ chị H nạp tiền, thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NVCC |
“Thời gian đầu, họ yêu cầu thả tim, theo dõi và tôi sẽ được trả số tiền tương ứng. Họ có vẻ làm rất chuyên nghiệp, đàng hoàng, thanh toán rất đầy đủ nên tôi tin tưởng” – chị H nói và cho biết chỉ nhận số tiền rất nhỏ.
Sau hai ngày, chị H được thanh toán số tiền khoảng 250 ngàn đồng cho việc theo dõi, thả tim các tài khoản Tik Tok trên mạng.
Chị H cho biết do quá tin tưởng nên đã nghe theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo. Ảnh: NVCC |
Đến ngày tiếp theo, những người xưng là nhân viên hướng dẫn, nhân viên tài vụ yêu cầu chị H phải hoàn thành các nhiệm vụ mức độ khó hơn, tức thanh toán các đơn hàng với số tiền ban đầu là vài triệu nhưng sau đó tăng lên hàng chục triệu đồng.
Như ban đầu, chị H làm nhiệm vụ thanh toán hóa đơn hàng với số tiền là 500 ngàn đồng thì được thông báo sẽ nhận lại hoa hồng là 200 ngàn đồng. Nhiệm vụ thanh toán ba triệu đồng thì sẽ nhận lại 1,2 triệu đồng.
“Theo đó, mức độ khó mỗi lúc một tăng, từ 500 ngàn đồng lên đến 68 triệu đồng. Chỉ trong ngày 18-7 tôi đã làm bốn nhiệm vụ với số tiền nạp cho họ là 129,5 triệu đồng. Họ thông báo là tôi sẽ nhận được hơn 64 triệu hoa hồng và cả tiền gốc tôi nạp vào là tổng hơn 194 triệu đồng” – chị H kể lại.
Nhóm này sau đó yêu cầu chị H muốn nhận tiền thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân vì thu nhập trên 100 triệu. Sau đó, nhóm này yêu cầu chị H cung cấp số tài khoản để chuyển tiền nhưng lại thông báo là không chuyển được vì tài khoản không chính chủ.
Tổng số tiền mà chị H đã nạp cho nhóm lừa đảo là 265 triệu. Ảnh: NVCC |
Chị H được yêu cầu đóng thêm số tiền phí để xác minh tài khoản. Tổng kết, chỉ trong vòng hơn một ngày chị H đã nộp toàn bộ số tiền 265 triệu đồng cho nhóm lừa đảo
“Ban đầu, họ yêu cầu mình làm những nhiệm vụ nhỏ, số tiền nhỏ và thanh toán cho mình đầy đủ để lấy lòng tin. Sau đó, nâng dần mức độ nhiệm vụ từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu để mình trót lỡ đóng tiền, phải theo tới cùng. Khi mình nghi ngờ thì họ lại tiếp tục yêu cầu muốn lấy tiền gốc thì phải đóng thuế, phí để lấy thêm” – chị H nói.
Chị H cho biết mình là người có học thức, am hiểu pháp luật và có biết một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội nhưng vẫn bị “mắc câu”. “Số tiền mà tôi nộp vào cho các đối tượng là tiền vay mượn. Tôi hiện không biết xoay xở ra sao để trả” – chị H tiếp.
Qua câu chuyện, chị H cũng nêu ra lời cảnh báo đến người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh bị rơi vào hoàn cảnh như mình.
Công an cảnh báo
Trước đó, Công an TP.HCM, Công an các quận huyện cũng từng nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội mà trường hợp của chị H là một ví dụ.
Theo đó, phương thức, thủ đoạn của các nhóm phạm tội là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại.
Từ đó, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Công an TP.HCM cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa cho người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội.
Người dân không tham gia đầu tư qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội và chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Chia sẻ, cảnh báo với người thân, hàng xóm các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này.
Người dân cần kiểm chứng rõ các thông tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng hóa trên mạng bằng cách gọi trực tiếp vào số hotline của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử.
Khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị, cá nhân cung ứng hàng, dịch vụ, sàn thương mại điện tử nào thì phải gặp trực tiếp người có thẩm quyền để ký hợp đồng cộng tác viên; kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử Tike, Lazada, Shoppee… cần thông báo rộng rãi nội dung các chương trình khuyến mãi, thông tin trúng thưởng trên trang cá nhân chính thống của công ty, tránh trường hợp các đối tượng giả danh những doanh nghiệp này đưa ra các thủ đoạn lừa đảo về nội dung chương trình khuyến mãi cho người dân.
Người dân cần đặc biệt chú ý khi nhận được lời mời chào với thu nhập hấp dẫn, nên tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp qua kênh chính thống hoặc số hotline của doanh nghiệp, sàn thương mại.
Nếu tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin – Bộ TT và TT qua đầu số tin nhắn 5656 miễn phí.