Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 9-1, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Lộ trình sắp xếp ra sao?
“Mới đây, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 37 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Bộ có thể nói rõ hơn có bao nhiêu quận/huyện, phường/xã sẽ sáp nhập? Quá trình thực hiện như thế nào, các tỉnh thực hiện ngay hay đợi văn bản hướng dẫn của Bộ?” - báo chí đặt câu hỏi.
Trả lời về nội dung này, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho biết Nghị quyết 37 vừa được Bộ Chính trị ban hành có đưa ra mục tiêu cụ thể. Theo đó, năm 2019 sẽ sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Trên tinh thần này, năm nay các cơ quan liên quan sẽ rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Trước mắt, áp dụng các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đủ 50% tiêu chí về diện tích và dân số trong giai đoạn 2019-2021, sau đó tổng kết.
“Sau tám ngày Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và cổng thông tin Chính phủ để xin ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021” - ông Hùng nói và cho hay sau khi nghị quyết này ra đời, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể.
Về số quận/huyện sắp xếp, ông Hùng cho hay nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu con số cụ thể nhưng theo đề án Chính phủ trình (thống kê từ các địa phương): Có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập.
Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm cho phù hợp với điều kiện của từng nơi.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tư Long đang trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Đ. Minh
“Xử lý nghiêm nhưng phải có lý, có tình”
Cũng tại cuộc họp báo, báo chí đã hỏi quan điểm của Bộ Nội vụ liên quan đến trường hợp con gái của chủ tịch UBND tỉnh An Giang là bà Vương Mai Trinh (31 tuổi) được bổ nhiệm thần tốc làm phó chánh Văn phòng Thành ủy Long Xuyên.
Cụ thể, bà Trinh được xét tuyển thẳng làm công chức (do nhầm bằng thạc sĩ nước ngoài nhưng lại được cấp trong nước). Sau đó, bà phải thi tuyển vào công chức dù đang giữ chức phó chánh Văn phòng Thành ủy.
“Ý kiến của Bộ Nội vụ về trường hợp này như thế nào? Việc bổ nhiệm cán bộ như vậy đúng hay sai? Trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tư Long cho biết việc tuyển dụng công chức đã được phân cấp thẩm quyền cho tỉnh nhưng quy trình xét tuyển những trường hợp đặc cách không qua thi tuyển có gửi Bộ Nội vụ thẩm định.
Theo ông Long, Quyết định 43 của Bộ Chính trị thực hiện hết sức nghiêm túc, với định hướng: Nếu là bằng giả, hồ sơ có giả mạo giấy tờ thì kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng việc xây dựng thể chế trải dài qua nhiều quá trình, rất phức tạp, có nhiều hệ thống văn bản dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
“Nghị định quy định rất rõ các trường hợp đặc cách không qua thi tuyển công chức là “phải có bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc ở nước ngoài”. Nhưng một chữ “ở” thôi cũng dẫn đến cách hiểu khác nhau” - ông Long dẫn chứng và cho biết tỉnh An Giang đang rà soát rất nghiêm túc tất cả trường hợp, không riêng trường hợp con gái chủ tịch tỉnh, để xử lý.
“Xử lý nghiêm túc nhưng phải có tình, có lý. Có những người đang làm việc tốt, có thể nguyên nhân do công tác tổ chức thôi, nếu đưa ra xử lý thì tôi thấy có vấn đề” - ông Long nêu qua điểm.
Cũng theo ông Long, Vụ Công chức, viên chức đang báo cáo cấp có thẩm quyền để có xử lý chung cho các trường hợp tương tự. “Vụ Công chức, viên chức rà soát ngay và kỹ trường hợp này. Xem cần thiết, tỉnh có gửi báo cáo rồi thì báo cáo lãnh đạo Bộ. Nếu chưa thì đề nghị tỉnh báo cáo” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng yêu cầu ngay sau đó.