Sau vụ lừa 15.000 tỉ: Sẽ còn hàng ngàn người sập bẫy tiền ảo!

Mấy ngày qua, dư luận sốc trước việc 32.000 người sập bẫy Công ty Cổ phần Modern Tech với số tiền nghi bị lừa lên đến 15.000 tỉ đồng. Đây là con số gây kinh hoàng cho nhiều người.

Nhưng nạn nhân của tiền ảo đa cấp có thể chưa dừng lại ở con số trên. Bởi lẽ hàng loạt dự án tiền ảo đa cấp kiểu như dự án tiền ảo ifan của Công ty Modern Tech vẫn đang kêu gọi mọi người rót tiền đầu tư.

Trắng tay vì “vịt trời” bay mất

Nhóm lừa đảo tiền ảo ifan đã thành công khi đối tượng mà chúng nhắm đến thường là những người có tuổi, tham lãi khủng và thiếu kiến thức tham gia. Chiêu PR của nhóm này gần như hoàn hảo. Nào là lãi siêu khủng lên đến 576%-670% một năm, nào là dự án ifan có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tham gia, rồi tung ra chim mồi đủ mọi ngóc ngách để lôi kéo nhà đầu tư.

Chính vì vậy không ít nhà đầu tư nguy cơ mất cả chục tỉ đồng vì đầu tư tiền ảo ifan. Anh Tân, một nhà đầu tư ở TP.HCM, kể: “Riêng dự án tiền ảo ifan, tôi đã đổ vào khoảng 600 triệu đồng”. Tương tự, ông N. chia sẻ đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng mua đồng tiền ảo ifan. Khi dự án tiền ảo này bị sập, chủ đầu tư “lặn biệt tăm” khiến ông có nguy cơ mất trắng số tiền trên.

Không phải là nạn nhân của ifan nhưng chị Nguyễn Thy (45 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng tán gia bại sản khi Bitconnect đóng sàn giao dịch vào ngày 17-1 vừa qua. Chị không thể rút tiền về và hoàn toàn trắng tay. Chị Thy kể tháng 11-2017, chị được một người bạn rỉ tai nói nếu hôm nay chỉ cần đầu tư 10.000 USD thì hôm sau sẽ có hơn 200 USD lợi nhuận.

Ban đầu khi nghe lãi khủng của việc đầu tư ủy thác (lending) chị Thy cũng không tin, không hào hứng. Nhưng rồi người bạn cho chị xem những tấm ảnh của các nhà đầu tư trước đó đã thắng lớn, họ mua xe hơi sang, đi du lịch khắp nơi, mua sắm bất động sản… Tới lúc này thì chị gần như hoa mắt và đầu tư ngay một gói hơn 50.000 USD, tương đương hơn 1,4 tỉ đồng.

“Vậy nhưng chưa kịp rút được đồng lãi nào thì Bitconnect đóng sàn, giá lao thẳng đứng. Đến giờ đống tiền ảo bitconnect không khác nào ôm một đống “xà bần”. Cũng vì chuyện này mà gia đình tôi lục đục, ly tán mỗi người một nơi, con cái chịu khổ theo” - chị Thy buồn bã.

Các dự án tiền ảo thường xuyên tổ chức những sự kiện, thuyết trình để thu hút nhà đầu tư. (Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội)

Rút ra lỗ đậm, ở lại không xong

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm phát triển dự án lừa đảo tiền ảo ifan của Công ty Modern Tech vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có nguồn tin từ nhà đầu tư cho biết nhóm này đang tập trung phát triển dự án lừa đảo khác. Thêm nữa, sau ifan thì các dự án tiền ảo khác như Oac, Western, Regalcoin, Falcon... vẫn đang hoạt động, dùng những chiêu dụ dỗ tương tự để huy động vốn.

Điều đáng nói là những dự án này cũng dùng chiêu thức như kiểu tiền ảo ifan là đánh vào lòng tham của người tham gia như lãi khủng, có thể đầu tư một lời 100. Chi trả hoa hồng môi giới theo hình kim tự tháp với tám cấp khác nhau với mức hoa hồng 0,1%-8% trên số tiền nhà đầu tư mới tham gia.

Chị Xuân Hà (nhà ở quận 2, TP.HCM) chia sẻ thực tế cũng có nhà đầu tư theo phong trào, thấy ngon quá thì lao vào nhưng cũng có không ít nhà đầu tư là những người có kiến thức, có hiểu biết và chấp nhận rủi ro. Họ tham gia với tâm thế được ăn cả, ngã về không, họ sẵn sàng đánh đổi và liều mạng để một bước lên triệu phú, tỉ phú dễ dàng.

“Do đó, ngoài những người đã trả giá thì cũng có nhiều người rơi vào thế lưỡng nan: Rút ra, bán tống bán tháo thì sẽ lỗ nặng mà tiếp tục giữ tiền ảo thì chôn vốn trong khi không biết tương lai thế nào. Nếu những dự án tiền ảo hoạt động theo mô hình đa cấp đổ vỡ và rơi vào cảnh hỗn loạn thì không ít người có thể đối mặt với cảnh mất trắng” - chị Hà chia sẻ.

Vỡ mộng

Sau khi sàn tiền ảo Bitconnect bị sập, giá đồng bitconnect lao dốc không phanh, tôi mới bàng hoàng nhận ra rằng kiểu quảng cáo lãi cao do họ đưa ra thực ra chỉ là một hình thức lừa đảo. Họ dùng lời mật ngọt hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng thực chất là lấy tiền người này trả cho người kia theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.

Chị THANH HẰNG (Tân Bình, TP.HCM), một người từng đầu tư tiền ảo 

Khi nhiều đồng tiền ảo là “rác”

Chuyên gia kinh tế Dương Anh Vũ cho rằng vụ lừa đảo của dự án tiền ảo ifan và một số dự án khác xuất phát chủ yếu từ hai vấn đề: Niềm tin và ham lãi suất cao. Niềm tin được tạo dựng bởi các chân rết trong giới tiền ảo Việt Nam. Kết hợp với mức lãi suất cao đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Đây là sự kết hợp tạo nên cái bẫy kinh điển nên ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn dính vào.

Hơn nữa, khoảng thời gian sau Tết đến giờ thị trường tiền ảo chịu nhiều tin bất lợi. Tác động xấu của những thông tin này là hết sức rõ rệt khi chỉ từ đầu năm đến nay đồng tiền ảo bitcoin giảm từ trên 10.000 USD xuống còn 6.745 USD/bitcoin vào cuối giờ chiều 10-4.

Với mức giảm này, nhà đầu tư đã mất gần 40% giá trị tài sản. Đây mới chỉ nêu thiệt hại mà bitcoin phải chịu. Còn rất nhiều đồng tiền ảo khác cũng giảm hơn 50% giá trị như ripple, litecoin... khiến nhà đầu tư méo mặt.

Bên cạnh đó, ông Vũ cũng khẳng định trên thị trường tiền ảo có đến 95% là “rác”, không có giá trị. Đây chính là yếu tố khiến các nước muốn kiểm soát tiền ảo một cách chặt chẽ. Đặc biệt, việc có nhiều loại tiền ảo hoạt động như mô hình đa cấp là yếu tố nguy hiểm đối với những nhà đầu tư.

“Để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong lúc này tôi chỉ có một câu: Lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Khi tiếp cận với một loại tiền ảo được hứa hẹn lãi 50%/năm thì hãy đặt câu hỏi: Lợi nhuận của loại tiền ảo này từ đâu mà có? Với góc nhìn như thế sẽ tránh được các mô hình đa cấp và có được sự lựa chọn sáng suốt đối với tất cả kênh đầu tư” - ông Vũ khuyến nghị.

Nhẫn tâm dùng chiêu lãi siêu khủng

32.000 người tin vào mức lợi nhuận siêu khủng và bị sập bẫy Công ty Cổ phần Modern Tech khi công ty này cam kết trả lãi suất 48%/tháng khi đầu tư vào đồng tiền ảo ifan. Nếu rủ thêm người nữa tham gia cùng thì được hưởng thêm 8%, tức là 56%/tháng, tương đương với 576%-672%/năm. Ví dụ, một người bỏ 100 triệu đồng vào công ty này thì mỗi tháng lấy lại khoảng 50 triệu đồng. Đây là mức lãi không tưởng, cao gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng nhưng hàng ngàn người vẫn tin.

Bình luận về câu chuyện này, chuyên gia tài chính ngân hàng Phan Dũng Khánh nói: Vụ việc tiền ảo ifan làm các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số thiệt hại nặng nề bởi đây là mô hình huy động vốn phối hợp các kỹ thuật tài chính từ chính thống đến lừa đảo. Cần phải lưu ý rằng bất kỳ một lời hứa lợi nhuận nào cao gấp ba lần lãi suất ngân hàng trở lên thường sẽ có mùi lừa đảo.

“Nhẫn tâm hơn, họ dùng các kỹ thuật bơm thổi kinh điển khi tung ra các thông tin như sẽ mua lại tiền ảo với giá cao, đồng tiền được sử dụng cho thanh toán hàng hóa... để các nhà đầu tư lao vô mua” - ông Khánh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới