Ngày 7-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, thúc đẩy công tác tái đàn heo ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng.
Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) dẫn đến nguồn cung thịt heo trong nước bị thiếu hụt, Bộ NN&PTNT đang thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp như nhập khẩu thịt heo đông lạnh, nhập khẩu heo sống và đẩy mạnh phát triển đàn heo trong nước.
Quý IV sẽ có 11 triệu heo con phục vụ nuôi thương phẩm
Đánh giá về công tác tái đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết công tác tái đàn, tăng đàn heo trên cả nước đang tiến triển tốt. Trong đó, mấu chốt trong công tác tái đàn là giữ được đàn hạt nhân với 120.000 con heo cụ, kỵ, ông bà và 2,8 triệu con heo nái, bảo đảm được nguồn heo giống với số lượng bằng trước khi có dịch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác tái đàn heo tại Hải Phòng ngày 7-7. Ảnh: TÙNG ĐINH
"Theo tính toán vào quý IV năm nay sẽ đáp ứng 11 triệu heo con phục vụ nuôi thương phẩm, khôi phục lại đàn heo cả nước so với thời điểm trước khi dịch xảy ra" - ông Cường nói.
Là một trong những trang trại áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng, đến nay trại heo Đảo Bầu đã khôi phục gần như hoàn toàn đàn heo so với trước khi DTHCP xảy ra.
Ông Bùi Minh Họa, chủ trang trại cho biết so với thời điểm năm 2018 đàn heo hiện nay đã tăng gấp ba lần.
"Lúc trước khi dịch xảy ra, trang trại có 620 con nái. Sau dịch, đàn heo bị thiệt hại, nay số heo đẻ chỉ có khoảng 500 con. Tuy nhiên với tốc độ tái đàn, tăng đàn như hiện nay thì dự kiến khoảng 1-2 tháng nữa số heo nái sẽ đạt 750 con, khôi phục hoàn toàn đàn heo so với thời điểm DTHCP xảy ra. Và kế hoạch đến quý IV đàn nái sẽ tăng lên 950 con. Mỗi tháng đàn nái đẻ được hơn 1.000 heo con" - ông Họa thông tin.
Tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, cho biết tính đến tháng 6-2020, tổng đàn heo của thành phố đạt hơn 114.000 con, tương đương 88,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Thông tin thêm về những khó khăn trong công tác tái đàn, ông Hùng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung con giống đáp ứng công tác tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình và gia trại còn chiếm tỷ lệ lớn với trên 70% nên chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, tiềm ẩn nhiều rủi ro tái phát dịch.
"Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ thêm nguồn vốn để tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn" - ông Hùng kiến nghị.
Hỗ trợ người dân kinh phí tái đàn heo
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, thời gian qua, để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Đơn cử như Yên Bái hỗ trợ cho người chăn nuôi 4 triệu đồng/nái hoặc đực giống khi mua để tái đàn.
Tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 2 triệu đồng cho một con nái tái đàn. Hà Nội hỗ trợ cho 5 triệu đồng một con nái khi mua tái đàn. Hưng Yên hỗ trợ 1 triệu đồng khi mua heo nái và 500.000 đồng cho mỗi cơ sở để mua vật tư, men vi sinh để phòng chống DTHCP.
Ngoài ra, Ninh Bình có chương trình hỗ trợ heo nái giống ngoại cho các trang trại để tái đàn, mức hỗ trợ 20% kinh phí mua giống; heo nái ngoại, tương đương 2 triệu đồng/con để tái đàn heo. Thanh Hóa, Thái Nguyên hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi con nái ông bà để khuyến khích sản xuất heo bố mẹ cho sản xuất.
Nhập khẩu heo bố mẹ, heo thương phẩm từ Thái Lan để phục vụ công tác tái đàn và bổ sung nguồn cung thịt heo cho thị trường trong nước. Ảnh: AH
Nghệ An hỗ trợ 1 triệu đồng/nái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ, mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100.000.000 đồng/trang trại. Năm 2020, hỗ trợ khoảng 30.000 liều tinh phối giống cho đàn heo nái trong nông hộ.
Bình Định chi 150 tỷ đồng từ ngân sách, giao cho ngân hàng chính sách xã hội để cho người chăn nuôi vay không lãi suất 12 tháng. Đồng Nai hỗ trợ 60 trang trại, 622 hộ chăn nuôi và 49 tổ hợp tác chăn nuôi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi tái đàn từ 20 con heo trở lên, vay vốn ưu đãi xây chuồng trại ứng dụng công nghệ cao (bằng 70% giá trị với ưu đãi 3,85%/năm). Đến nay đã có 23 trang trại chăn nuôi tiếp cận được chính sách vay với tổng vốn đầu tư đã được duyệt vay và giải ngân là 243.744 triệu đồng.
TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Trị có chính sách tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do DTHCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn heo, tăng đàn heo, mở rộng mô hình chăn nuôi heo ATSH... Bình phước có chính sách về đất đai nên thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi...
Kết quả, tính đến cuối tháng 5-2020, đã có 8 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn heo trên 100%, trung bình là 118,9% so với thời điểm trước khi có dịch. Đứng đầu là Bình Phước đạt 150%; tiếp đến là Đắk Nông; Bình Định; Đắk Lắk; Hòa Bình; Cà Mau; Yên Bái; Tây Ninh.
Ngoài ra, có 10 tỉnh, thành phố có mức tái đàn gần bằng so với thời điểm trước dịch, trung bình khoảng 96,3% như Ninh Thuận; Bình Dương; Quảng Bình; Quảng Ngãi; Bình Thuận; Kon Tum; Nam Định; Thanh Hóa; Lâm Đồng; Tuyên Quang. Còn lại, có 23 tỉnh, thành phố có mức tái đàn đạt gần 80% và 22 tỉnh có mức tái đàn dưới 70%.
Đã chi hơn 12.000 tỉ đồng cho phòng chống DTHCP Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 5-2020, tổng kinh phí ngân sách trung ương đã chi cho công tác phòng, chống DTHCP vào khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Số tiền này bằng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân tiêu hủy heo bệnh, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi heo tại 63 tỉnh, thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 163,61 tỷ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng. |