Ngày 19-10, tại Đà Nẵng, Bộ GĐ&ĐT tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Thiếu nhân lực dù lương cao
Theo Bộ GD&ĐT, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một trong ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo hiện ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn.
Vì vậy, mặc dù ngành vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường ĐH lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay nhưng số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
“Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9-2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở ra. Nhưng thực tế việc triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng” - Bộ GD&ĐT nêu thực tế.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, cho biết theo số liệu khảo sát các công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong ba năm tới sẽ có 46% công ty thiếu hụt nhân lực. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 30.000 - 50.000 kỹ sư ngành này.
Đà Nẵng sẽ có một số cơ chế tạo điều kiện để thu hút nhân lực vào học các ngành liên quan đến vi mạch và bán dẫn. Đồng thời sẵn sàng có cơ chế học bổng, cho vay để sinh viên có thể học các ngành đang được định hướng.
Đà Nẵng đã chủ động sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển chip bán dẫn và công nghệ, kể cả trong nghiên cứu đến đóng gói. Thống nhất cao về việc kết hợp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực qua hai hình thức là đào tạo cơ bản và đào tạo cấp tốc.
Ông NGUYỄN VĂN QUẢNG, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Hiện có gần 50 công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại TP.HCM. Cứ trung bình một nhóm mới ra đời thì có nhu cầu 50 - 100 kỹ sư trong năm đầu tiên nhưng lại rất khó tuyển kỹ sư có kinh nghiệm.
Ông Vinh cũng cho biết ở TP.HCM, lương hằng năm sau thuế của kỹ sư có kinh nghiệm ngành vi mạch phần mềm lên đến hơn 1,5 tỉ đồng, kỹ sư mới ra trường khoảng 219 triệu đồng/năm.
Sẽ có cơ chế đặc biệt
Trình bày tham luận, ông Bùi Thanh Tùng, Trường ĐH Công nghệ (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm nhưng đào tạo chỉ đáp ứng chưa đến 20%.
“Nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm, thiếu cả về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng” - ông Luận nêu thực tế.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn vi mạch của Việt Nam, ông Luận cho rằng cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực. Thu hút nhà nghiên cứu giỏi tham gia giảng dạy tại các trường ĐH, huy động người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, phải đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như có học bổng cho sinh viên theo học và đãi ngộ thu hút giáo viên, nhà nghiên cứu.
PGS-TS Trần Mạnh Hà, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng kiến nghị cần có chiến lược cấp quốc gia về công nghệ bán dẫn để huy động các nguồn lực lâu dài. Cùng với đó đẩy nhanh việc mở thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực và có cơ chế phối hợp, chia sẻ phòng thí nghiệm dùng chung do đầu tư phòng thí nghiệm tốn kém.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp bán dẫn sẽ nâng được tầm, vị thế của đất nước. Bộ xác định việc đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp chip bán dẫn là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn được ưu tiên.
“Đây là lĩnh vực cần công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao và phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. Nếu các trường chứng minh khả năng, quyết tâm, Bộ GD&ĐT sẵn sàng cho tuyển sinh sớm, ban hành thông tư, quy chế đặc biệt cho ngành này. Qua đó để thu hút được chuyên gia, liên kết đào tạo và sử dụng chương trình của nhau” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các trường phải có dữ liệu, có kế hoạch bài bản, chắc chắn trong đào tạo, không phải thấy lạc quan mà tuyển sinh ào ạt. Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị về mặt thể chế, cái gì làm được thì làm ngay để trong thời gian ngắn nhất hình thành chuẩn chương trình đào tạo cho nhóm chuyên gia này.
“Xác định mục tiêu tổ chức tuyển sinh ngành công nghiệp bán dẫn theo một cơ chế đặc biệt nhưng phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường các chương trình liên kết với nước ngoài, các doanh nghiệp, chia sẻ chỗ thực hành… Bởi suy cho cùng, thành bại nằm chính ở con người” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Cần 50.000 nhân lực thiết kế vi mạch trình độ đại học trở lên
Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn vi mạch tại Việt Nam. Hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Hiện có trên 50 công ty đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch và hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong năm năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ ĐH trở lên.