“Ủy ban ATGT Quốc gia đang soạn thảo nghị định tăng nặng chế tài xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm các quy định an toàn giao thông. Đặc biệt, sẽ đề xuất cho phép tịch thu xe máy của những người cố tình đi vào đường cao tốc để bán đấu giá lấy tiền ủng hộ người nghèo. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ Công an, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét” - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết.
. Ý tưởng trên xuất phát từ đâu, thưa ông?
+ Ông Khuất Việt Hùng: Thời gian gần đây tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc ngày càng tăng, gây uy hiếp an toàn giao thông nghiêm trọng. Trên đường cao tốc các loại ô tô đều chạy với tốc độ rất cao (100-120 km/giờ), nếu xảy ra tai nạn sẽ rất thảm khốc. Do vậy hành vi đi xe máy vào đường cao tốc được đánh giá như khủng bố. Ngoài ra, xe máy đi vào đường cao tốc thường chạy với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho bản thân chủ phương tiện rất lớn.
Vì những lý do trên, tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia sớm xây dựng nghị định trên để trình Chính phủ xem xét.
. Theo ông, quy định tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc có vi phạm pháp luật hiện hành không?
+ Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ việc được tịch thu các phương tiện, công cụ vi phạm do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Dựa vào luật này chúng tôi mới bắt tay nghiên cứu dự thảo trên. Trong trường hợp luật chưa quy định, ủy ban sẽ kiến nghị để Chính phủ báo cáo lên Quốc hội.
Nhiều xe máy ngang nhiên đi vào đường cao tốc vành đai 3 - Hà Nội. Ảnh: BÁ ĐÔ
Trên đường cao tốc, các loại ô tô lưu thông với tốc độ cao, nếu xảy ra tai nạn thì hậu quả rất nặng nề. (Trong ảnh là vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sáng 17-7-2014 làm bốn người chết và tám người bị thương) Ảnh: H.NAM
. Nếu nghị định trên được ban hành, Ủy ban ATGT Quốc gia có lường trước những phản ứng của người bị tịch thu tài sản?
+ Ở các nước, nếu lái xe sau khi uống rượu, bia có khi bị bỏ tù vì điều đó có thể dẫn tới hậu quả rất lớn cho bản thân và xã hội. Tôi cho rằng những hành vi uy hiếp trực tiếp đến an toàn giao thông, có nguy cơ gây tai nạn thảm khốc cao cần phải được răn đe kịp thời để ngăn ngừa.
Như đã nói, tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc đang gia tăng, do đó cần sớm có một quy định xử phạt nghiêm để ngăn ngừa. Nếu để sau này mới ban hành quy định thì không kịp nữa.
. Nghị định 171/2013 đã có quy định xử phạt hành vi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) đi vào đường cao tốc...
+ Nghị định 171/2013 chỉ đưa ra mức phạt 200.000-400.000 đồng với hành vi này. Nếu gây tai nạn, người điều khiển mô tô, xe máy còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hai tháng. Mức phạt như thế là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, không tạo được uy lực của pháp luật để ngăn ngừa hành vi vi phạm.
. Để phát hiện và tịch thu xe máy vi phạm, lực lượng chức năng sẽ thực hiện như thế nào?
+ Với đường bộ bình thường, lực lượng tuần tra kiểm soát chỉ cần ra tín hiệu dừng xe rồi hướng dẫn xe lên vỉa hè xử phạt nhưng với đường cao tốc thì không được làm như vậy. Cách tốt nhất là sẽ dùng camera ghi hình vi phạm, khi xe máy đến vị trí thích hợp thì lực lượng chức năng sẽ yêu cầu chủ xe dừng lại và xử lý.
. Xin cám ơn ông.