Theo ông Phước, vừa qua TP đã có chủ trương sáp nhập ban chỉ đạo xử lý cơ sở gây ô nhiễm và ban di dời thành một ban để thống nhất quá trình xử lý. Sau khi thành lập, ban này sẽ có nhiệm vụ kết hợp với các quận, huyện để thống kê danh sách những cơ sở ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch. Nắm tình hình những cơ sở này trong quá trình di dời có yêu cầu gì, đề xuất TP hỗ trợ những gì… Trong quá trình di dời sẽ chia làm ba giai đoạn và tập trung ưu tiên di dời những cơ sở gây ô nhiễm trước.
Ông Phước cho biết thêm hiện TP còn sáu trên tổng số hơn 1.000 địa điểm ô nhiễm từ năm 2003 chưa thực hiện di dời theo yêu cầu. Lý do chậm di dời là do điều kiện kinh tế hoặc chưa tìm được khu vực quy hoạch phù hợp theo ngành nghề. Đối với 24 cơ sở gây ô nhiễm tại khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12) thì sẽ tiến hành di dời trong năm 2015-2016.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, cho biết sự quyết tâm của UBND quận, huyện và sở, ngành là chưa lớn. Các đơn vị cũng chưa có những chế tài cụ thể đối với những cơ sở sau khi vận động nhưng không chịu di dời.
“Theo kế hoạch trong năm 2017 mới bắt đầu thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm… thì khi nào kết thúc quá trình này, việc này? Nội dung này đề cập nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Ô nhiễm mà để kéo dài thì theo tôi là không ổn” - ông Lâm nêu vấn đề.
Còn ông Phạm Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP, cho biết Sở TN&MT đã xác định những cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư là không phù hợp quy hoạch, vậy quy hoạch hiện nay như thế nào? Nếu nói như vậy thì có phải quy hoạch có vấn đề hay triển khai quy hoạch chưa đến nơi đến chốn? Theo đó, ông Hùng yêu cầu Sở TN&MT có văn bản báo cáo rõ là các dự án di dời đi đâu và bao giờ thực hiện. Ngoài ra, Sở cũng phải có đề xuất trong quá trình di dời thì TP có chính sách gì hỗ trợ những doanh nghiệp này.
MINH QUÝ