“Thời gian qua, trên địa bàn TP việc xâm hại cây xanh đường phố diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp như đốn hạ trái phép, chặt ngang thân, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất để đầu độc cây chết dần để buộc phải đốn hạ”. Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo với UBND TP về thực trạng cây xanh trên địa bàn TP bị xâm hại.
Hàng cây che bảng quảng cáo chết bất thường
Gần đây xảy ra hàng loạt cây xanh bị bức tử. Theo thống kê của Sở GTVT, đó là hai cây viết trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), cây sọ khỉ trên đường Tân Kỳ-Tân Quý (quận Tân Phú), hai cây dầu cổ thụ trên đường Hòa Hảo (quận 11) và đường Tôn Thất Tùng (quận 1). Ngoài ra, hai cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) cũng bị giết hại.
Đặc biệt, như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, sáu cây me tây liền kề trồng trên vỉa hè tại địa chỉ 60C Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) đang sinh trưởng, phát triển tốt đã chết “tức tưởi”. Sở GTVT cho biết đây là vụ xâm hại cây xanh đường phố nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được cá nhân, tổ chức phá hại cây xanh để xử lý.
“Các cây xanh này đang phát triển tốt, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho tuyến đường Trường Sơn, khu vực cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, vào giữa tháng 3-2016, các cây me tây này đồng loạt bị xuống lá và chết dần trong khi các cây lân cận khác trên tuyến đường vẫn bình thường” - Sở GTVT thông tin.
Cũng theo Sở GTVT, khi kiểm tra thì phát hiện dưới các gốc cây me tây có mùi hóa chất lạ và kiểng cỏ trồng xung quanh bị héo queo, chết cả. Khảo sát xung quanh khu vực, các cây xanh này không ảnh hưởng, cản trở mặt tiền, lối ra vào công trình hay nhà dân. Sở GTVT thông tin: “Trước khi bị chết, các cây này có tán cây phát triển rất xanh tốt nên có phần che khuất những bảng quảng cáo của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sài Gòn được đặt tại đây (hướng từ đường Trường Sơn nhìn vào). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể xác định được cá nhân, tổ chức nào đã cố tình phá hại các cây xanh này”.
Dãy sáu cây me tây trước sân bay Tân Sơn Nhất đồng loạt chết dần trong khi các cây lân cận vẫn bình thường. Ảnh: TRUNG THANH
Làm điểm, xử lý kẻ hại cây xanh để răn đe
Sở GTVT cho biết thông qua những trường hợp này, các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh theo địa bàn thuộc Sở đều có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý. Tuy vậy, trong các vụ việc này, do thiếu thông tin phản hồi hoặc nếu có thì cũng không có kết quả do không bắt được quả tang nên hầu như không có “kết quả xử lý”.
Để ngăn chặn tình trạng bức tử cây xanh, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi xâm hại cây xanh. Các cơ quan này cũng hỗ trợ, phối hợp Thanh tra Sở GTVT, Khu Quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn trong việc xử lý những vụ xâm hại cây xanh.
Sở này cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình cụ thể như “khu phố tự quản” hoặc “dân tự quản”… để người dân địa phương được biết và cùng tham gia bảo vệ cây xanh.
Đặc biệt, “UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, xử lý nghiêm một số vụ điển hình như trên tuyến đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình), đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1)… nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng phá hại cây xanh đang diễn ra ngày càng phổ biến trên địa bàn TP” - Sở GTVT kiến nghị.
Một nguyên lãnh đạo Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM nhận định hầu hết các vụ sát hại cây xanh là vì “họ” không muốn cây cản trở mặt tiền nhà, trụ sở nhà hàng, công ty… Theo vị này, để tránh bị phát hiện, họ thường thuê người giả dạng công nhân cây xanh xuống đốn cây. Tinh vi hơn, họ dùng hóa chất đổ xuống gốc cây. Với hành vi này, khi phát hiện cây héo chết thì đã muộn, không thể cứu được. |