Sếp trường Viễn Đông: Không giữ được uy tín, tôi đi buôn vàng

Là hiệu trưởng đồng thời là nhà đầu tư duy nhất của Trường CĐ Viễn Đông, ông Trần Thanh Hải cho biết chấp nhận đầu tư lớn một cách dài hạn để bồi đắp các giá trị cho sinh viên trước khi nghĩ đến lợi nhuận.

Không lên đại học để đào tạo thợ

. Phóng viên: Với 12 năm thành lập trường, có lẽ ông quá hiểu cạnh tranh gay gắt luôn đeo bám các trường ngoài công lập?

+ Ông Trần Thanh Hải: Với các trường ngoài hệ thống công lập, phải nói rằng mức độ cạnh tranh rất lớn. Cạnh tranh đầu tiên đến từ các trường công, nhất là về yếu tố học phí. Với mức học phí chưa bằng 50% các trường ngoài công lập nên trường công lập dễ dàng thu hút được sinh viên, đặc biệt các sinh viên giỏi. Ngoài ra, trường công lập còn hưởng lợi từ truyền thống, thương hiệu và uy tín được xây dựng hàng chục năm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiều trường đào tạo sinh viên ngoài công lập có tiềm năng phát triển. Nhưng để đột biến họ phải vượt qua rào cản lớn nhất, đó là sự bất bình đẳng trong mức độ thu học phí giữa công lập và ngoài công lập.

Vấn đề thứ hai chính là việc các trường ngoài công lập mọc lên như nấm sau mưa. Điều này dẫn đến một số trường ngoài công lập không chú trọng đầu tư, có hiện tượng tay không bắt giặc. Việc này đã để lại một số hệ lụy như chất lượng đào tạo không đảm bảo.

. Nhìn dưới nền tảng này, khi xây dựng trường, ông chọn cách cạnh tranh ra sao?

+ Chúng tôi xác định rõ không với lên cao, thay vào đó là xây dựng một trường cao đẳng mang tính thực hành và thực nghiệm, nơi đào tạo và cung cấp các kỹ thuật viên cho doanh nghiệp (DN).

Do đó, chúng tôi định vị sinh viên ra trường làm được những công việc cụ thể. Đó có thể là những công việc như trợ lý giám đốc, trợ lý trưởng phòng, giám sát thi công, giám sát bán hàng…, nghĩa là làm ở mức độ tổ, đội, trợ lý.

.Chắc là có lý do để ông làm những điều này…

+ Tôi vốn là người xuất thân từ DN, đã đi qua nhiều vị trí, làm việc ở cả cơ quan nhà nước, cổ phần, liên doanh nước ngoài… nên tôi hiểu dựa trên hiệu quả kinh doanh, DN cần nguồn nhân lực ra sao.

Trong DN người ta chỉ cần một giám đốc điều hành nhưng ở dưới cần nhiều các quản lý cấp trung, nhân viên kỹ thuật. Đây là lý do vì sao chiến lược của chúng tôi không đặt vấn đề đào tạo ra các giám đốc điều hành, kỹ sư trưởng mà cái đó để cho các trường đại học lớn làm.

Ngoài việc xây dựng chương trình khung theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm chúng tôi còn thiết kế các chương trình riêng đến từ việc tham khảo, góp ý và sự phản biện của các DN, hiệp hội ngành nghề. Điều này giúp các sinh viên ra trường làm được việc thực tế ngay mà DN không cần phải đào tạo lại.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng việc gắn kết với DN giúp trường thay đổi phương thức đào tạo để sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu của DN. Ảnh:  QUANG HUY

Cạnh tranh bằng… sinh viên ra trường có việc làm

. Thật ra những gì ông nghĩ và làm thì các trường đại học, cao đẳng công lập cũng biết điều đó, thậm chí có trường đã đưa giáo trình nước ngoài vào đào tạo?

+ Tôi cho rằng đây là xu hướng tích cực cho môi trường giáo dục đào tạo của Việt Nam. Tôi cũng có một may mắn được học ở Mỹ và nhận thấy thiết kế một giáo trình tối ưu theo kiểu nước ngoài bao giờ cũng có độ trễ. Ví dụ, ở Mỹ luôn có sự cập nhật mới về mặt giáo trình, nên không có trường Việt Nam nào có thể đua lại.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng việc các trường đại học đưa giáo trình nước ngoài vào giảng dạy và dạy bằng tiếng Anh, đồng thời mời giáo viên nước ngoài dạy là hoàn toàn phù hợp. Nó phục vụ cho phần nhỏ phân khúc quản lý cấp trung cao.

. Ông nghĩ thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng các trường ngoài công lập thường chọn các ngành dễ đào tạo, chi phí đầu tư thấp và đưa ra một nguồn nhân lực có chất lượng đầu ra không cao, quá nhiều dẫn đến mất cân đối cung cầu?

+ Tôi hoàn toàn có thể hiểu được điều này vì nhiều trường đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, nó diễn ra ở cả trường công lẫn tư có các ngành kinh tế. Đây là khối ngành dễ đầu tư nhất vì chỉ cần có một tấm bảng, cây bút và ông thầy là có được lớp!

Do nhiều trường mở ngành kinh tế nên sinh viên khối này vàng thau lẫn lộn, ra trường không có kỹ năng, trong khi nhu cầu việc làm hữu hạn, tạo ra nguồn nhân lực dư thừa. Nếu cứ đi theo hướng đó sẽ tự đào thải chính mình.

Ông Trần Thanh Hải hiện là hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông kiêm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột. 

Tôi cho rằng sự cạnh tranh lành mạnh của các trường hiện nay chính là hướng vào mục tiêu làm sao sinh viên có được việc làm sau khi ra trường. Chính vì vậy chúng tôi dám bỏ tiền ra mua những chiếc xe hơi đời mới, thậm chí cả dòng xe hybrid (dạng xe lai kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện) để sinh viên thực tập. Từ bốn năm qua, chúng tôi luôn cam kết sinh viên các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe… ra trường là 100% đều có việc làm. Lời hứa này chưa bao giờ sai!

. Hiện trường của ông đang trong giai đoạn đầu tư hay khai thác tìm kiếm lợi nhuận và ông tính toán bài toán giữa chi phí và hiệu quả ra sao?

+ Có thể nói rằng đầu tư vào giáo dục phải nghĩ đến chuyện lâu dài, rất khác với đầu tư tài chính. Với đầu tư tài chính, chúng ta có thể tính giá trị tài sản thuần theo từng ngày. Nhưng làm giáo dục không thể làm như thế. Tầm nhìn của một trường không phải là 10 năm hay 20 năm mà phải trên 30 năm.

Tôi có thể thẳng thắn nói rằng nếu trường của tôi đã thành lập trên 30 năm (hiện Viễn Đông mới có 12 năm hoạt động), mà tôi với tư cách hiệu trưởng vẫn còn xuống các trường cấp 3 để tuyển sinh thì tôi sẽ đóng cửa trường.

Lý do là với 30 năm thành lập, tôi có 25 khóa sinh viên ra trường. Tức là trường đã có một thế hệ sinh viên 20 năm ra trường đã khẳng định được vị trí trên thị trường lao động. Với 25 khóa đào tạo mà không tạo được uy tín, vẫn phải xuống các trường cấp 3 nói chuyện tuyển sinh thì có nghĩa là trường đào tạo không uy tín, không chất lượng. Vậy tốt nhất đóng cửa đi buôn vàng, cà phê, vì một cơn sóng vàng là kiếm được rất nhiều tiền!

. Xin cám ơn ông.

“Không nói về lợi nhuận là không thật lòng”

. Ông từng lăn lộn làm DN và đóng nhiều vai trò trong các tổ chức. Vậy ở vị trí hiệu trưởng, cái nhìn của ông ra sao?

+ Từ DN bước vào vai trò hiệu trưởng, tôi thấy rằng công việc giáo dục có tính ổn định, định hướng lâu dài, có khoảng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu làm chuyện khác. Trong khi làm DN phải theo dõi đủ mọi thứ trên thị trường suốt ngày, liên tục ra quyết định.

. Khi đặt nền móng xây dựng trường, ông có tính câu chuyện lợi nhuận?

+ Đứng ở góc độ là người từng làm DN, nếu không nói về lợi nhuận là không thật lòng. Bỏ ra một nguồn lực lớn đầu tư từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến mua máy móc, thiết bị thực hành nên chuyện đầu tiên phải tính là hoàn vốn.

Sếp trường Viễn Đông: Không giữ được uy tín, tôi đi buôn vàng ảnh 2
Sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông đang thực hành và thực nghiệm. Ảnh: PM  

Nhưng khái niệm hoàn vốn của tôi vào trường học là tính đường dài. Mặt khác, khi đầu tư vào trường, tôi đã chuẩn bị sẵn nguồn lực tài sản có dư bỏ vào đó nên không bị sức ép phải hoàn vốn nhanh.

Giả sử trường bán sản phẩm đầu tư cho sinh viên là một khách hàng, bao lâu mới hoàn vốn?

+ Có thể xem cách đặt vấn đề này là bài toán lợi ích và chi phí. Nói cách khác đã bỏ tiền ra phải được điều gì. Vì thế tôi luôn cam kết với các phụ huynh, lợi ích sẽ có nhiều hơn mức chi phí ban đầu.

Chẳng hạn, một sinh viên ngành công nghệ hay điều dưỡng phải trả mức học phí 60-72 triệu đồng cho một khóa học. Mức học phí này cao gấp đôi các trường công lập nhưng sinh viên vẫn theo học.

Vì sau khi ra trường, như lương điều dưỡng cũng đã được trả 7-8 triệu đồng, như vậy một năm thu nhập họ đã hoàn vốn. Hay tính sát hơn, họ phải chi tiêu cho cuộc sống, chỉ để dành được 1/3 tích lũy thì hơn ba năm thu hồi vốn.

Tuy nhiên, câu chuyện xa hơn chuyện hoàn vốn. Đó là các em có kiến thức, kỹ năng nâng lên và cơ hội học liên thông đại học để thăng tiến sau này. Tất nhiên theo thời gian, tiền lương cũng tăng tương ứng với kinh nghiệm và kỹ năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm