Siết xe hợp đồng coi chừng ‘cột chân’ người dân

Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2016 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Dự thảo có nhiều điểm mới nhằm hướng tới chặn đứng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hìnhTuy nhiên, các ý kiến đóng góp cho rằng dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý.

“Bóp ông nhỏ, bỏ ông lớn”

“Đơn vị chạy xe theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định do đơn vị thuê, hợp tác kinh doanh”.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, cho biết bản dự thảo nghị định mới bổ sung quy định trên nhằm chống xe “dù”, bến “cóc”, xe trá hình.

Ngoài ra, theo dự thảo, trong một tháng, mỗi xe và mỗi doanh nghiệp không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau. Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau…

Một số doanh nghiệp vận tải đánh giá với quy định trên, các hãng xe nhỏ chết chắc. Tuy nhiên, các hãng xe lớn thì vẫn sống phơi phới. Bởi lẽ các hãng xe lớn có trên 100 xe, chạy thường xuyên trên bốn hành trình và có 4-5 văn phòng, địa điểm giao dịch thì trong tháng, họ đảo xe chạy ở bốn hành trình trên, số chuyến trùng lặp nhau mới chỉ đạt 25%... Vậy là… thoát!

Xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định trên đường Ba Tháng Hai, TP.HCM. Ảnh: LĐ

Trao quyền chưa phù hợp?

Dự thảo nghị định mới mạnh dạn phân cấp quản lý xe hợp đồng cho địa phương bằng việc bổ sung quy định xe hợp đồng được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đậu. UBND cấp tỉnh xác định, công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng trên địa bàn.

“Quy định này sẽ giúp địa phương đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của xe hợp đồng” - ông Trần Bảo Ngọc cho biết.

Dự thảo nghị định cũng thêm quy định Sở GTVT phải thông báo danh sách xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến UBND xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp vận tải đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh để phối hợp quản lý…

Tuy nhiên, với quy định này, nhiều ý kiến lưu ý coi chừng không khả thi vì giao quyền cho nơi không có quyền, không có lực. Vì lẽ cấp phường, xã không có thẩm quyền quản lý hoạt động kinh doanh do các cấp sở, phòng quản lý kinh tế quận, huyện cấp phép, quản lý…

“Muốn thuê phòng sao phải thuê cả khách sạn”

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, cho hay theo Luật Giao thông đường bộ 2008, xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định. Còn xe tuyến cố định là chạy từ bến đến bến, bến có quy hoạch. Song hiện nay, xe hợp đồng có hiện tượng chở khách tuyến cố định bằng cách trên xe in sẵn hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên vào.

Vì vậy dự thảo bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng phải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe chỉ được ký kết một hợp đồng.

Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi, cho rằng đây là cách làm theo lối tư duy bao cấp cũ từ các nhà máy, xí nghiệp. Khi đó nhân viên được công đoàn “bao” cho các chuyến đi nghỉ, đi chơi thì mới thuê cả chuyến xe cho nhóm 45-50 người.

“Thực tế xã hội là từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ 3-5 người có nhu cầu đi du lịch, hợp đồng bằng xe lớn từ A đến B, thường hợp đồng đi ghép với các cá nhân, nhóm người khác. Chẳng ai muốn vào thuê phòng ngủ cho mình mà phải thuê cả cái khách sạn” - ông Thành nói.

Theo các doanh nghiệp vận tải, đến nay xe khách hợp đồng đã giải quyết được 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương. Thời gian tới, loại hình này sẽ còn chiếm lĩnh thị phần vận tải, vượt qua xe chạy từ các bến, tuyến cố định.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, góp ý: “Xã hội đã thay đổi nhiều, xe hợp đồng đã đáp ứng được yêu cầu cao của người dân mà ta tìm cách “trói” lại thì không hợp lý”.

______________________________

Đừng để người dân gian nan, vất vả khi đi xe

Trước đây, mỗi lần muốn đi Vũng Tàu, tôi thường ra khu vực đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, lên xe, yên vị là đi, không cần mua vé!

Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi lần tôi đi Vũng Tàu là một lần gian nan, vất vả. Ra khu vực quận 1 nêu trên, tôi được nhà xe đưa lên các xe khách nhỏ dưới bảy chỗ trung chuyển ra đường Mai Chí Thọ, quận 2, bên kia hầm Thủ Thiêm rồi chuyển sang xe 16 chỗ.

Lúc chuyển tiếp xe, nhà xe luôn hối thúc khách phải nhanh chân sang xe 16 chỗ. Khách chưa yên vị xe đã phóng đi như đang bị ai đuổi phía sau. Hỏi ra thì tài xế bảo “chỉ được dừng xe 16 chỗ đón khách trung chuyển có ba phút à nên phải hối khách, đi nhanh, không là bị phạt”.

Vòng về cũng vậy. Cũng cảnh hối thúc khách xuống xe nhanh, chuyển tiếp ngay sang xe nhỏ để đưa vào quận 1.

Thiết nghĩ cách quản lý như trên là gây cảnh khó, khổ cho người dân. Người dân không cần biết xe nào là xe liên tỉnh, xe nào là hợp đồng, xe có bán vé, xe không! Đó là chuyện của cơ quan quản lý nhà nước. Người dân chỉ cần biết hãng xe nào phục vụ tốt, chu đáo, an toàn thì đi xe của hãng đó thôi.

Hồng Tú, quận 3, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm