Công an đề nghị soi xe của doanh nghiệp du lịch

Tại cuộc họp sơ kết đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định thành lập của UBND TP.HCM về việc xử lý “xe dù”, “bến cóc” diễn ra chiều 10-2, Thượng tá Lê Hoàng Nam, Phó Trưởng Công an quận 1, đề nghị xem xét lại hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Không có nơi đón khách thì rút phép

Theo Thượng tá Lê Hoàng Nam, giao thông ở trung tâm rất phức tạp nhưng trên địa bàn quận có năm điểm được phép kinh doanh vận tải và hàng loạt các doanh nghiệp lữ hành. Ở khu vực Công viên 23-9, vào giờ cao điểm xe buýt dồn về gặp thêm các xe khách loại lớn ra dừng, đậu đón khách ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão và khiến giao thông ở nơi này thêm rối.

“Tôi kiến nghị xem xét lại hoạt động của các điểm này. Nếu các đơn vị vận tải có bến bãi làm nơi đậu xe, đón khách thì cho phép hoạt động. Còn không thì chỉ cho hoạt động như một chi nhánh, văn phòng và không được đón trả khách” - vị phó trưởng Công an quận 1 nói.

Thượng tá Nam cũng cho biết ở khu vực quận 1 còn có một lượng lớn các đơn vị kinh doanh lữ hành. Chỉ trong phạm vi khoảng 1 km đường Phạm Ngũ Lão có đến 20 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng thực tế hoạt động như tuyến cố định.

“Họ tổ chức xe chở khách nhưng không thực hiện theo tour như các doanh nghiệp lữ hành thông thường. Cụ thể, các xe này đón khách ở đường Phạm Ngũ Lão rồi chở đi Campuchia, về Mũi Né và vận chuyển hàng hóa như các chành chở hàng ở khu vực quận 6. Các hoạt động này khiến tình hình an toàn giao thông cho khu vực không đảm bảo. Vì vậy, tôi đề nghị phải xem lại các doanh nghiệp này thực chất là kinh doanh lữ hành hay hoạt động trá hình” - Thượng tá Nam nhấn mạnh.

Một số xe du lịch hoạt động trá hình đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung. Trong ảnh: Một xe có phù hiệu du lịch đang chờ đón khách ở đường Phạm Ngũ Lão. Ảnh: MP

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết theo quy định, hoạt động du lịch, trong đó có xe chở khách du lịch được tạo điều kiện hoạt động tối đa. Cụ thể, các xe du lịch được đến tận nhà du khách đón khách. Vì vậy vừa qua khi Sở GTVT dự kiến đưa hoạt động đón trả khách từ đường Phạm Ngũ Lão vào khu vực Công viên 23/9 thì gặp sự phản ứng mạnh của Sở Du lịch.

“Chúng tôi phải nhượng bộ, mở các điểm để các xe du lịch dừng đón, trả khách du lịch trên đường Phạm Ngũ Lão. Riêng các hãng này có hoạt động trá hình hay không thì sẽ được tính tính tiếp” - ông Minh nói.

Không còn “xe dù” thì gọi là gì?

Cũng tại buổi sơ kết, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho rằng trên địa bàn TP.HCM hiện có 86 điểm có hoạt động đón trả khách nhưng đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện và giấy phép kinh doanh vận tải.

“Qua rà soát, kiểm tra các điểm có hoạt động đón, trả khách thì hiện trên địa bàn TP.HCM không còn xe “dù”. Ngoài ra, hiện nay TP.HCM cũng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “bến cóc”” - ông Việt nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, thắc mắc: “Nếu không còn bến cóc thì hoạt động đón, trả khách ở 86 điểm trên phải gọi là gì? Xe dù không còn nữa thì các xe đón, trả khách ở các nơi đó có phải là xe hợp đồng trá hình không?”.

Theo ông Lê Hoàng Minh, hoạt động đón trả khách ở các điểm vừa nêu đã gây mất trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, theo thống kê có 54/86 điểm kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM có hoạt động đón, trả khách trên đường trước trụ sở. Trong số này có 49 điểm hoạt động tại biển cấm dừng, cấm đỗ.

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đang xử phạt một trường hợp xe đón khách sai quy định. Ảnh: MP

Hoạt động này có nhiều biến tướng như nhiều nơi gắn biển cấm dừng, cấm đậu thì nhà xe đưa xe chui tọt vào trong nhà để đón trả khách. “Quy định hiện hành nghiêm cấm các xe hợp đồng xác nhận đặt chỗ bán vé thu tiền cho khách lẻ. Nhưng thực tế nhiều hãng xe vẫn thực hiện nên tôi đề nghị các đoàn kiểm tra liên ngành có các giải pháp xử lý tiếp” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng khẳng định không có chuyện bao che trong việc xử lý các vi phạm nhưng hiện nay có các bất cập từ quy định. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng đang tìm cách các giải pháp xử lý rốt ráo.

Các đơn vị liên quan cần xem xét sự thay đổi của thực tế để có biện pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh song cần phải trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng.
Ai chạy hợp đồng thì theo dạng hợp đồng. Ai chạy cố định thì theo đó mà chạy. Chứ hiện nay có sự nhập nhằng giữa các loại hình này gây rối loạn thị trường.
Thanh tra Sở GTVT cần có các kiến nghị cụ thể, mạnh mẽ ví dụ một xe chỉ được cấp một phù hiệu hay cấm xe trung chuyển để xử lý vấn đề. Trong việc xử phạt thì cần lưu ý đến việc thông qua ứng dụng khoa học công nghệ phạt nguội để tăng cường hiệu quả.
Phòng Quản lý Vận tải và Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét, trích xuất dữ liệu cơ sở hành trình của các xe Hoa Mai, Toàn Thắng chạy tuyến cố định sai hành trình. Nếu phát hiện các xe phạm thì xem xét, đề xuất rút giấy phép.
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm